Theo rà soát, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong khi nhiều chủ đầu tư, nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân rất cao hoặc đã hoàn thành kế hoạch, thì có tới hơn 1/3 số chủ đầu tư và gần 1/3 số dự án có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình. Đặc biệt, những công trình, dự án ghi vốn lớn chưa giải ngân, chưa khởi công là nguyên nhân dẫn tới áp lực giải ngân vốn những tháng cuối năm vô cùng nặng nề.
Thi công cầu Xuân Quang – cầu vượt sông Mã thuộc Tiểu dự án 1, Dự án đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa).
Hoàn thiện hạ tầng cho phát triển
Năm 2023, Thanh Hóa được Trung ương phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hơn 14.924 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư có kế hoạch triển khai dự án, ngay từ đầu năm, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã thực hiện sớm việc phân bổ, giao kế hoạch vốn chi tiết đối với các dự án đủ điều kiện đạt 99,8% kế hoạch.
Tính đến ngày 12/10, toàn tỉnh giải ngân được 8.216 tỷ đồng, đạt 55,17% kế hoạch giao chi tiết. Tuy con số này chưa thể đạt so với kỳ vọng, song cao hơn 8,7% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước và cao hơn 1.243 tỷ đồng so với số tuyệt đối giải ngân năm 2022.
Rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch là vốn chi xây dựng cơ bản tập trung trong nước đạt 78,4%, vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 74,8%. Trong số các chủ đầu tư, có 64/94 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh bao gồm: 7 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; 15 UBND cấp huyện; 35 UBND cấp xã và 7 đơn vị khác. Đặc biệt, trong 64 chủ đầu tư này, có tới 36 chủ đầu tư đã giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, thì Sở Giao thông – Vận tải, Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Như Thanh, Bá Thước, Quảng Xương, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn là những chủ đầu tư có giá trị giải ngân trong nhóm cao nhất cả tỉnh. Còn xét về phương diện dự án, trong số 298 dự án, nhiệm vụ, có 87 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư trực tiếp 5 dự án đầu tư công. Tính đến 15/10, tổng số vốn giải ngân của đơn vị đạt 264/426 tỷ đồng, đạt 62,1% kế hoạch. Các dự án đạt tỷ lệ giải ngân cao như: cầu Bến Kẹm (Bá Thước) đã giải ngân 60,74/66 tỷ đồng, đạt 92%; dự án đường Vạn Thiện đi Bến En đã giải ngân 366/400,4 tỷ đồng, đạt 91,4%; dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 506B đoạn thị trấn Lam Sơn đi xã Thọ Lập (Thọ Xuân) giải ngân đạt 87%…
Trên công trường thi công Tiểu dự án 1 – cầu vượt sông Mã và đường 2 đầu cầu đoạn thuộc dự án đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa), nhà thầu xây dựng công trình là Liên danh Công ty CP 479 Hòa Bình và Công ty CP Xây dựng cầu Thanh Hóa đang tập trung các phương tiện máy móc, nhân lực triển khai thi công hầm chui, đúc dầm, trụ cầu. Đại diện chủ đầu tư cho biết, quá trình thi công từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa, lũ, tuy nhiên nhà thầu đã rất nỗ lực để bù kịp tiến độ của những ngày buộc phải dừng thi công. Đến nay, giá trị khối lượng hoàn thành dự án là 180/453 tỷ đồng, đạt 40% và đảm bảo tiến độ của hợp đồng. Dự án đã giải ngân 263/376 tỷ đồng vốn giao năm 2023, đạt 70% kế hoạch năm. Với điều kiện thời tiết nắng ráo những tháng cuối năm, tiến độ thi công sẽ được đẩy nhanh hơn nữa.
Theo thống kê của Ban Quản lý dự án huyện Thọ Xuân, 11 dự án đầu tư công nguồn vốn cấp tỉnh giao kế hoạch vốn năm 2023 hiện đã giải ngân đạt tỷ lệ trung bình 89%. Trong đó, có tới 9/11 dự án được bổ sung kế hoạch vốn trong năm. Đến nay, đã có 6 dự án giải ngân 100% kế hoạch vốn là: dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông Xuân Tín – Quảng Phú; dự án tu bổ, nâng cấp đê tả, hữu sông Cầu Chày; dự án đường giao thông Cầu Kè – Thọ Xuân; tuyến đường từ thị trấn Thọ Xuân đi khu đô thị Lam Sơn – Sao Vàng; tuyến đường từ thị trấn Thọ Xuân đi trung tâm hành chính mới và tuyến đường nối Quốc lộ 47 nối 47C huyện Thọ Xuân (giai đoạn 1). Các dự án còn lại, phần lớn cũng đã giải ngân đạt 80 – 85%.
Trên công trình thi công tuyến đường từ thị trấn Thọ Xuân đi khu đô thị Lam Sơn – Sao Vàng, anh Hoàng Văn Phúc, phụ trách Phòng Kỹ thuật thẩm định, Ban Quản lý dự án huyện Thọ Xuân, cho biết: “Khi tuyến đường này thông xe, sẽ rút ngắn khoảng cách từ thị trấn Thọ Xuân đi Lam Sơn – Sao Vàng từ 12 km xuống chỉ còn 5,2 km, tương đương giảm 30 phút di chuyển. Được khởi công năm 2020, dự án này hiện đã thi công được khoảng 80% khối lượng; trong đó hạng mục thi công nền đường, cấp phối đá dăm đã hoàn thành 4,5/5,2 km, thảm nhựa mặt đường được 2/5,2 km và hoàn thành xây dựng 4 cầu. 2 nút giao đầu tuyến đang được địa phương khẩn trương xem xét nguồn gốc đất, tiến hành di dời tái định cư, hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 10 để tiếp tục triển khai thi công thông tuyến, đưa dự án vào vận hành trong năm 2023”.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, việc hoàn thiện các dự án hạ tầng bằng nguồn vốn đầu tư công đã mang lại nhiều ích lợi và tạo thành động lực lan tỏa sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhiều dự án vừa được đưa vào vận hành thời gian gần đây đã đáp ứng mong mỏi của người dân và minh chứng cho điều đó. Điển hình như tháng 8 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã bàn giao, đưa dự án xây dựng cầu Bến Kẹm (Bá Thước) chính thức đi vào sử dụng. Cây cầu bắc qua sông Mã nối liền xã Điền Lư với các xã vùng cao Lương Ngoại, Lương Nội, Lương Trung đã thỏa mãn mong mỏi của người dân địa phương nhiều năm nay. Dự án đi vào vận hành đã giúp bà con nhân dân trong vùng đi lại dễ dàng, thúc đẩy giao thương hàng hóa, nhất là lâm sản, tạo cơ hội mới trong phát triển dịch vụ, thương mại và hoàn thiện hạ tầng giao thông của địa phương trở nên khang trang, đồng bộ.
Chờ “nước đến chân…”
Mặc dù con số giải ngân 55,17% vẫn cao hơn 8,7% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước và cao hơn 1.243 tỷ đồng so với số tuyệt đối giải ngân năm 2022. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 4,83% so với cùng kỳ, tạo áp lực rất lớn cho mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay. Trong 2 tháng cuối năm, tỉnh Thanh Hóa phải giải ngân tới 6.707,9 tỷ đồng; trong đó, số vốn năm 2022 do tỉnh quản lý được phép kéo dài sang năm 2023 còn tới 1.447,6 tỷ đồng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những chủ đầu tư, những dự án có tỷ lệ giải ngân vốn rất cao hoặc đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 và còn có nhu cầu đăng ký bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thì có 26 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức tỷ lệ giải ngân trung bình của cả tỉnh, gồm: 8 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, 12 UBND cấp huyện; 22 UBND cấp xã và 4 đơn vị khác: Bệnh viện Phụ sản, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Huyện ủy Thọ Xuân, Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Đặc biệt, có 4 chủ đầu tư chưa giải ngân, gồm: Ban Dân tộc, Liên minh HTX, UBND xã Thành Mỹ (Thạch Thành) và UBND xã Bát Mọt (Thường Xuân).
Xét ở phương diện dự án, có 83/298 dự án, nhiệm vụ giải ngân vốn dưới 50% kế hoạch, trong đó có 5 dự án hoàn thành đã có quyết toán được duyệt và 12 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt, 33 dự án chuyển tiếp, 28 dự án khởi công mới và 5 dự án chuẩn bị đầu tư, với số vốn chưa giải ngân là hơn 3.055 tỷ đồng.
Đặc biệt, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 là 937 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân trung bình mới đạt 9,21% kế hoạch, tạo áp lực rất lớn cho giải ngân những tháng cuối năm.
Năm 2023, kế hoạch vốn Ban Quản lý Dự án công trình dân dụng và công nghiệp được UBND tỉnh phân bổ là 687 tỷ đồng, để thực hiện 4 dự án vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội gồm: Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; dự án đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa; dự án đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị cho 5 trung tâm y tế tuyến huyện và dự án đầu tư xây dựng mới và mua sắm thiết bị cho 70 trạm y tế tuyến xã. Đến nay, tỷ lệ giải ngân trung bình các dự án mới đạt 33,1%.
Dự án còn lại trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 là kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Chu khu vực cầu Vạn Hà (Thiệu Hóa) và đê tả sông Lèn (Hà Trung) được giao kế hoạch vốn năm 2023 gần 250 tỷ đồng, hiện mới giải ngân được hơn 5 tỷ đồng. Các gói thầu xây lắp số 9, 10, 11 của dự án này đã đăng tải thông báo mời thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và ngày 1/11 mới tiến hành mở thầu theo quy định. Do đó, việc hoàn thành khối lượng để giải ngân hết kế hoạch vốn được xác định là vô cùng khó khăn.
Cùng với đó, nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) năm 2023 cũng mới giải ngân đạt 670,773 tỷ đồng/1.795,208 tỷ đồng, đạt 37,36% kế hoạch. Trong đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mới giải ngân được bằng 25,16% kế hoạch giao chi tiết; Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới giải ngân đạt 31,31% kế hoạch; Chương trình MTQG xây dựng NTM mới giải ngân đạt 52,3% kế hoạch vốn giao chi tiết.
Năm 2023, công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt đối với những dự án, công trình trọng điểm nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Song, hơn 2/3 thời gian đã đi qua, với tỷ lệ vốn đã giải ngân đạt 55% kế hoạch, là chưa tương xứng như kỳ vọng, cũng như tạo áp lực rất lớn cho những tháng cuối năm. Do vậy, để đạt được mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, đòi hỏi từ sự quyết tâm rất lớn, trách nhiệm rất cao của cả hệ thống chính trị, đến các chủ đầu tư, nhà thầu cùng vai trò của người dân. |
Bài và ảnh: Minh Hằng
Bài 2: Những rào cản gây “độ trễ”.