Khoa học công nghệ được xem là “chìa khóa” để xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển hiện đại, bền vững.
Diện tích cây trồng của gia đình anh Lê Văn Quyết, thôn Quý Lâm, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
Quyết định số 622-QĐ/TU ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, với mục tiêu chung: Tạo chuyển biến rõ nét về quy mô năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về nông, lâm, thủy sản; mở rộng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế theo chuỗi giá trị; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao, một số sản phẩm có lợi thế xây dựng được thương hiệu mạnh. XDNTM phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý, các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, trình độ dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, các giá trị văn hóa ở nông thôn được giữ gìn và phát huy; thu nhập và đời sống của cư dân ở nông thôn được nâng cao.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều doanh nghiệp, địa phương, người dân trên địa bàn tỉnh chọn lựa. Mặc dù bước đầu còn gặp một số khó khăn nhất định, song nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại đã mang lại thành công, trở thành điểm sáng, cần được nhân rộng.
Trước đây, gia đình anh Lê Văn Quyết, thôn Quý Lâm, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) mất nhiều thời gian để tưới nước, bón phân cho 1 ha các loại cây ăn quả. Phương pháp chăm sóc được anh Quyết thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, như sử dụng vòi tưới bằng tay, bón phân cho từng gốc cây. Cách làm truyền thống này tốn nhiều công sức, tiêu hao điện, nước trong khi năng suất thấp, không ổn định. Thế nhưng, từ khi Quyết áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã cho thấy hiệu quả rõ rệt; làm cho độ ẩm đất đồng đều, vùng rễ tơi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ nên tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây; giảm chi phí tiền điện chạy máy bơm tưới. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt còn sử dụng cho việc bón phân nên đã giảm công lao động, giảm lượng phân bón, tăng hiệu quả kinh tế…
Tương tự, chị Lê Thị Tuyết, xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) trước đây cũng canh tác theo phương thức truyền thống nên năng suất cây trồng kém hiệu quả, bởi chịu tác động của thời tiết, sâu bệnh. Sau khi được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật trồng, chị Tuyết đầu tư gần 800 triệu đồng để xây dựng nhà lưới để trồng dưa Kim Hoàng Hậu theo mô hình công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP. Theo tính toán, với 1.500m2 nhà lưới, bình quân mỗi vụ dưa, chị Tuyết thu hoạch khoảng 3 tấn quả, thu về từ 10 đến 15 triệu đồng, tùy theo giá trị trường ở từng thời điểm; so với trồng theo phương pháp truyền thống thì giá trị cao gấp 2 đến 3 lần.
Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, huyện Thọ Xuân đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện quy trình canh tác tiên tiến, hiện đại như lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước trong sản xuất cây ăn quả; sản xuất rau, củ, quả trong nhà màng, nhà lưới theo công nghệ Israel… Từ những giải pháp trên, đến nay huyện đã xây dựng được hơn 200 ha cây ăn quả có múi tập trung, cho thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng/ha/năm; hình thành 14 mô hình nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ trên diện tích gần 70.000m2; phát triển 22 trang trại trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Huyện cũng tạo cơ chế để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào sản xuất…
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 170 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất theo công nghệ cao. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đối với lĩnh vực trồng trọt lợi nhuận có thể cao gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống; đối với chăn nuôi, lợi nhuận bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản lợi nhuận đạt từ 2 đến 5 tỷ đồng/ha/năm.
Cùng với hình thành, phát triển vùng sản xuất công nghệ cao, trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có trên 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ; gần 840 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, một số mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp theo hướng hữu cơ đang được phối hợp triển khai, như: mô hình sản xuất lúa một giống, nuôi tôm sú quảng canh, chăn nuôi gà thương phẩm… tại các huyện Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hậu Lộc…
Ngành nông nghiệp và một số địa phương trong tỉnh cũng đang xây dựng, hoàn chỉnh quy trình, ứng dụng khoảng 7.000 ha lúa sản xuất thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và 1.400 ha rau các loại; tiếp nhận, chuyển giao thành công công nghệ sinh học trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo, lan kim tuyến; xây dựng 3 mô hình sắn sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn tại các huyện Như Xuân, Thọ Xuân, Ngọc Lặc; xây dựng, thiết lập và duy trì 59 mã số vùng cho cây trồng…
Cùng với việc áp dụng các mô hình kinh tế theo hướng hiện đại, việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng được xem là “thang thuốc” hiệu quả trong xây dựng nông nghiệp bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia quảng bá, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, như: Lazada, Tiki, Postmart.vn, Voso.vn; có hơn 10 HTX với khoảng 80 sản phẩm nông sản tham gia cổng thông tin kết nối cung cầu của Liên minh HTX Việt Nam… Đây là tiền đề để thực hiện chương trình, kế hoạch của tỉnh nhằm hỗ trợ, đưa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Xuân Minh