16 truyện ngắn gói trong 160 trang cuốn sách “Đừng giẫm lên cỏ” của tác giả Nguyễn Thị Bích Nga (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2022) là những trang văn thật nhẹ nhàng, thật ấm áp mà vẫn lý thú và sâu sắc.
Gấp cuốn sách, nhắm mắt lại cảm giác của tôi về những trang văn của Nguyễn Thị Bích Nga như sự hòa quện giữa cái nồng nàn của bánh sandwich nhưng cũng không kém phần ngọt ngào, ngầy ngậy của vị chocolate. Đó cũng là niềm vui khi tôi đọc truyện “Bức tượng trong tiệm bánh”. Có lẽ phải là người tinh tế lắm, phải là một trái tim của phụ nữ mới cảm nhận hết cái mùi hấp dẫn của bơ tươi, mùi ngọt ngào của đường caramel, mùi ân cần của quế nướng và nhất là mùi nồng nàn của bánh mì nóng mới ra lò. Truyện là cuộc gặp gỡ định mệnh của chàng Sandwich và nàng Chocolate, mối tình dễ thương của họ trong vòng đời ngắn ngủi khiến độc giả thích thú. Những câu “tán tỉnh” đại loại như: “Chỉ mới nhìn thấy em, anh biết tâm hồn mình đã thuộc về em. Những miếng thịt ba rọi được xắt mỏng trong người anh đang cong dần lên vì ánh mắt của em. Anh muốn nói lời chia tay em trước khi một khách hàng đưa em đi. Cuộc sống của chúng ta quá ngắn ngủi, em biết không”, khiến độc giả thích thú, muốn đọc tiếp, không thể dừng.
Chuyện về hai nàng cá hồi Rita và Lisa cùng đoàn cá bơi ngược về nguồn để sinh sản. Trong khó khăn để bơi lên thượng nguồn, chúng vẫn cảm nhận được lúc bình lặng và êm ả, và nhắc nhau đang bơi trong vùng “nước ngọt” mà không có thứ nước nào tuyệt diệu bằng nước của con sông Redwood Creek. Tuy nhiên điều không ngờ là có những đoạn sông bị ô nhiễm khiến “chúng ho sặc ho sụa và bắt đầu nôn ọe hàng loạt. Màu sông ở nửa dòng bên trái nhuộm màu đen, xanh, đỏ, tím… và đục ngầu. Không sinh vật nào có thể sống được trong môi trường kinh khủng như thế này, dù chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Nước sông bị nhiễm chất thải hóa học từ một nhà máy chế biến thực phẩm ở gần đó. Một số cá hồi bị nhiễm độc nặng nề, tê cứng hết vây đuôi. Chúng nằm ngửa bụng lên trời, miệng ngáp ngáp chờ chết”.
Hay là tâm sự của một chú bướm thoát kiếp sâu và bay đi rời xa quê hương. “Lúc này tôi đang chuẩn bị chuyến bay “thiên di” cho mùa đông sắp đến. Có thể tôi sẽ bay xuống miền Nam California, cũng có thể tôi bay xuống nữa, qua luôn biên giới Mexico để tránh né bầu không khí lạnh giá. Ở California có những vườn chuối xanh um, mật hoa chuối ngọt ngào như từng ngụm rượu chát. Còn ở Mexico có những cánh đồng bắp vàng ươm và mật hoa bắp cũng hấp dẫn chẳng khác nào từng giọt xi-rô ngọt lịm. Nhưng tôi tin rằng khi mùa đông qua, mùa xuân tới tôi sẽ trở về cánh đồng hoa gió của tôi…”.
Chú cá sấu Monster lên sân golf chỉ vì một lời hứa với cô phóng viên, rằng mỗi ngày chú sẽ mang lên bờ cho cô một con cá tươi còn sống và chú không cho ai đụng vào con cá. Thế nhưng cô phóng viên quên mất lời hẹn này đến khi đống cá trên bờ bốc mùi hôi thối, chủ sân golf gọi cô đến để rồi nghe lời trách móc của Monster: “Cô ác lắm. Cô hứa tới lấy cá mà không chịu tới…”.
Một chú vẹt biết nói tiếng người, có bộ lông màu xanh lá cây trong vườn thú San Diego Zoo rộng lớn. Chú có người bạn thân thuộc là Tom. Chú vẹt Owen này rất thích chụp hình “selfie” (tự sướng) với Tom. Một ngày Owen gặp nạn khi bị một nhóm thiếu niên hung ác chặt đứt phân nửa cái mỏ. Thông tin lan truyền trên mạng xã hội, các kênh truyền hình… Tom kể chuyện với bố và bố cậu hứa sẽ tìm cách giúp chú vẹt. Kêu gọi trên mạng xã hội, Matt (bố của Tom) đã gom đủ tiền từ những người hảo tâm để làm cho Owen có một cái mỏ giả có thể ăn uống được bình thường.
Được đặt cho tên sách, “Đừng giẫm lên cỏ” là một câu chuyện sâu sắc mang nhiều tầng nghĩa. Đừng giẫm lên cỏ, vì trong cỏ không chỉ là cỏ, mà còn có những con giun đất “tài sản quý hiếm của bà mẹ thiên nhiên”, “ở nơi nào có giun đất, nơi đó có chất dinh dưỡng dồi dào và phong phú, cây cỏ xanh tốt, hoa nở quanh năm, trái chín oằn cành”. Còn có những con dế “đàn hát quanh năm”, ban đêm chỉ cần nghe một tiếng dế rích rích, lòng người cũng thấy bớt cô đơn. Và có đom đóm, loài vật ngủ vào ban ngày, rong chơi vào ban đêm; có con cuốn chiếu chỉ ăn lá khô và cỏ mục, sống cả cuộc đời quanh những bụi cỏ, làm sạch đất đai. Vì thế, “đừng giẫm lên cỏ, đừng đánh thức cỏ, vì cỏ đang ngủ”. Cỏ cây cũng có hồn, có xúc cảm. Những trang văn ngọt ngào ấy cho thấy một Nguyễn Thị Bích Nga nhẹ nhàng, tinh tế, luôn nâng niu những vẻ đẹp mong manh của cuộc sống.
Có lẽ chỉ qua ánh nhìn của phụ nữ thì những chi tiết rất nhỏ mới được quan sát kỹ, cảm nhận rõ đến như vậy. Mỗi sinh vật có ngôn ngữ, có hành động khác nhau, song tựu chung lại bao giờ cũng được Nguyễn Thị Bích Nga nhìn với thái độ lạc quan, chia sẻ và đầy tình yêu. Bất kể trong hoàn cảnh nào, chị cũng đặt nhân vật của mình, sự tưởng tượng của bản thân vào góc nhìn lạc quan, tươi tắn. Trên sa mạc chỉ có cát và xương rồng qua sự phản chiếu của ánh mặt trời, thì chợt nhìn thấy cát vàng chuyển sang hồng, rồi cam, rồi tím và rồi nâu và hàng trăm cây xương rồng kiêu hãnh vươn mình lên cao chọc thủng bầu trời. Gặp một người xa lạ, bắt tay từ giã vẫn nhận ra cái “ấm nóng như phủ kín bàn tay”.
Nguyễn Thị Bích Nga sử dụng ngôn ngữ thật tươi mới, trẻ trung, với các tiếng lóng, các từ mang tính công nghệ của các bạn trẻ hiện đại, như selfie, online, like, comment, gameshow, okay… khiến các câu chuyện trở nên thật gần gũi, tự nhiên. 16 câu chuyện như 16 tản văn, song bên cạnh sự nhẹ nhàng là những suy nghĩ riêng tư, là những khát khao nho nhỏ. Ẩn sâu trong mỗi truyện ngắn, độc giả cảm nhận rõ nỗi lòng của những người con xa xứ “mang theo nỗi nhớ nhà đau đáu”. Phải nói thêm, Nguyễn Thị Bích Nga hiện đang định cư tại California, Mỹ. Vì thế, một vài truyện ngắn của chị hé lộ cho độc giả thấy nhiều nét văn hóa khác lạ, thú vị và văn minh ở xứ cờ hoa và nhiều nền văn hóa khác mà nhà văn có dịp trải nghiệm. Song, dường như trong ký ức của cô, phần đẹp tươi nhất, nhớ nhất là Việt Nam, quê hương mình. Tháng 4 hoa nở bạt ngàn. Hoa đẹp tới mức tôi phải dừng xe, mở cửa bước ra ngoài và… đứng ngắm. Cả một màu xanh tím ngút ngát trước mắt. “Hoa chợt gợi nhớ đến mùa tết cuối cùng của tôi ở Sài Gòn. Đối với tôi, hoa đẹp luôn gắn liền với tết… Bỗng dưng tôi cảm thấy nhớ nhà biết bao!” (Một ngày sau tay lái). Hương và gió xứ người cũng nhắc nhớ người ta về “tiếng gọi của quê hương? Có phải đó là tiếng nói thầm thì của gió, luôn thổi lên trong lòng những người xa xứ, mang theo nỗi nhớ nhà đau đáu” (Bướm và hoa anh túc).
“Đừng giẫm lên cỏ” như một bài thơ dài xuyên suốt hành trình trải nghiệm; như một giấc mơ hoang hoải trong nỗi nhớ quê hương của tác giả. Trong đó là thế giới của các loài vật, nhưng là những con vật biết yêu thương nhau, hồn nhiên của đứa trẻ. Có lẽ bởi thế mà một người lớn tuổi như tôi đọc qua từng trang văn một phần như được quay về tuổi thơ, một phần thấy cuộc sống này quá trìu mến “cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”. 160 trang có thể là mỏng manh với một cuốn sách nhưng phía trong câu chữ là những yêu thương, là bài học cuộc sống, là những giản đơn nếu con người nghĩ mọi thứ đơn giản.
Gập trang cuối cùng cuốn sách, với tôi “Đừng giẫm lên cỏ” như tiếng lao xao tí tách của cỏ cây chui lên khỏi mặt đất; như viên kẹo ngọt cứ lan dần, tỏa đi trong khoang miệng, như trái tim ấm áp của các bà mẹ dành cho những đứa con.
Kiều Huyền
– Sách đã xuất bản: Nhạc giữa trời (truyện vừa), Chuyện huynh và muội (truyện dài, 10 tập), Chiếc gương thời gian (truyện dài, 20 tập), Những nốt nhạc vui (tập truyện ngắn), Đừng giẫm lên cỏ – (tập truyện ngắn), dịch bộ truyện nhiều tập của Road Dahl, viết lời cho bộ sách tranh hướng nghiệp Những người sống quanh em.
– Giải thưởng: Giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng, 1995: Tập truyện vừa Nhạc giữa trời và các giải thưởng của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch.