Toàn tỉnh hiện có hơn 21.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kể từ quý III năm nay, thị trường tiêu thụ một số lĩnh vực như xi măng, thủy sản, may mặc, giày da… đã có những dấu hiệu khởi sắc. Mặc dù mục tiêu doanh thu, lợi nhuận của nhiều DN khó đạt kế hoạch do giá tiêu thụ giảm, tuy nhiên các DN vẫn đang nỗ lực vượt khó với những giải pháp điều hành tích cực, linh hoạt để hoàn thành kế hoạch sản xuất năm và chuẩn bị bước đệm cho năm 2024 khi thị trường phục hồi.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May 888 (Quảng Xương).
Tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP Thanh Hóa, các DN đã khắc phục xong công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy và ổn định sản xuất trở lại. Ngoài DN trong lĩnh vực may mặc, giày da thì các đơn hàng có tính đặc thù như đơn hàng sản xuất cơ khí phục vụ thi công các công trình xây dựng, đơn hàng xuất khẩu thủy sản cũng có dấu hiệu khởi sắc hơn.
Hoạt động trên địa bàn Thanh Hóa từ năm 2017, mỗi năm Công ty TNHH thang máy kỹ thuật điện AZ (TP Thanh Hóa) nhận lượng đơn hàng thi công, lắp đặt từ 60 – 80 thang máy. Để tạo thêm việc làm cho người lao động, thay vì nhập linh kiện, thiết bị về lắp ráp, từ năm 2022, công ty đã đầu tư mặt bằng tại KCN Tây Bắc Ga và các trang thiết bị máy móc để tự sản xuất các linh kiện thang máy. Anh Trần Thiết Thích, Chủ tịch HĐQT công ty, chia sẻ: “Với đặc thù lĩnh vực sản xuất, cuối năm là thời điểm hoàn thiện nhiều công trình xây dựng từ nhà ở riêng lẻ tới các công trình phục vụ kinh doanh, trường học… nên lượng đơn hàng cũng tăng lên đáng kể. Thời điểm hiện nay, công ty đang huy động cán bộ kỹ thuật, công nhân tập trung sản xuất thiết bị và tổ chức thi công lắp đặt cả trong những ngày cuối tuần để kịp tiến độ hoàn thiện công trình cho khách hàng”.
Công ty TNHH May 888 (Quảng Xương) có 2 nhà xưởng quy mô hơn 1.100 công nhân. Sản phẩm chủ đạo của công ty là jacket, áo blazer và trang phục chơi golf xuất khẩu, chủ yếu đi thị trường Mỹ, EU. Từ nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường đầu ra của hàng hóa may mặc, giày da giảm sút mạnh. Tuy nhiên, nhờ uy tín về chất lượng, tiến độ giao hàng với đối tác nhiều năm qua nên tổng sản lượng đơn hàng của DN vẫn ổn định. Ông Lê Văn Bắc, Giám đốc điều hành công ty, cho biết: “Với mục tiêu giữ việc làm ổn định cho công nhân, cùng với việc đa dạng thêm một số thị trường tiềm năng tại châu Á, chúng tôi cũng đã chấp nhận thêm nhiều đơn hàng nhỏ, đơn hàng giảm giá từ 20 – 30% so với trước đây. Do vậy trong năm 2023, khi toàn thị trường gặp khó khăn, công ty vẫn giữ được mức sản lượng 2 triệu sản phẩm với doanh thu gia công hơn 200 tỷ đồng. Hiện nay, toàn bộ nhân công nhà máy đang thực hiện tăng ca thêm 1,5 giờ/ngày để kịp những đơn hàng giao trong quý IV”.
Cùng với nỗ lực nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng đơn hàng năm nay, Công ty TNHH May 888 cũng đang xúc tiến các hạng mục công việc để chuẩn bị cho khối lượng công việc của đơn hàng đã nhận năm 2024. Giám đốc điều hành Lê Văn Bắc cho biết thêm: “Với việc phát triển được 8 khách hàng mới tại châu Á, công ty đã nhận được tổng đơn hàng 1 triệu sản phẩm cho quý I-2024. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để bắt đầu từ tháng 11 sẽ tập hợp mẫu, nghiên cứu bổ sung máy móc phù hợp, đào tạo lao động để tiến hành hiệu quả các kế hoạch sản xuất mới”.
Cùng với các DN truyền thống, nửa cuối năm 2023, một số nhà máy sản xuất may mặc, giày da mới hoàn thành đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng đi vào vận hành như: Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân); Nhà máy may xuất khẩu quốc tế CD tại xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy); Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày và giày xuất khẩu của Tập đoàn Huali (Yên Định)… giúp gia tăng năng lực sản xuất cho ngành công nghiệp của tỉnh.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, tuy sản lượng sản xuất xấp xỉ so với cùng kỳ nhưng đa phần DN trong lĩnh vực may mặc, giày da năm nay không có lãi do đơn giá gia công giảm mạnh. Có mặt hàng điển hình như áo sơ mi có thể giảm giá gia công đến 40%. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất đối với DN may mặc, giày da năm nay là bảo đảm được việc làm, thu nhập để giữ chân người lao động, chuẩn bị lực lượng sản xuất cho những năm tiếp theo. Do đó, đây cũng đã là những nỗ lực lớn, đáng ghi nhận của cộng đồng DN trong bối cảnh đặc biệt khó khăn của năm 2023 này.
Thống kê của ngành công thương cho thấy, 9 tháng năm 2023, các DN trong lĩnh vực may mặc đã sản xuất được khoảng 379 triệu sản phẩm, tăng nhẹ (1,9%) so với cùng kỳ. Các DN giày da sản xuất được 139,5 triệu sản phẩm, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng, góp phần bù đắp sản lượng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm do bảo dưỡng định kỳ 55 ngày.
Cùng với nỗ lực vượt khó của các DN, hiện nay, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung rà soát, đánh giá lại khả năng thực hiện kế hoạch của từng nhóm, ngành hàng. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, Thanh Hóa phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 200.000 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD.
Bài và ảnh: Tùng Lâm