Những năm gần đây, việc giáo dục truyền thống cho học sinh trên địa bàn tỉnh thông qua di sản văn hóa được các nhà trường đặc biệt chú trọng. Qua đó không chỉ đổi mới phương pháp dạy và học mà còn góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong học sinh, sinh viên.
Học sinh Trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa) hào hứng tìm hiểu về các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh thông qua tương tác thực tại ảo.
Bảo tàng tỉnh là một trong những địa chỉ quen thuộc trong hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống, lịch sử của học sinh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết “Chương trình phối hợp, tổ chức tham quan, học tập ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh, giai đoạn 2022-2025”.
Ngay trong năm 2022, cùng với các hoạt động tham quan, học tập của học sinh, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức thành công hoạt động giáo dục với chủ đề “Di sản văn hóa ở quanh ta” cho học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh. Cùng với tham quan hệ thống các phòng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, đối với học sinh mầm non và tiểu học sẽ được nghe giới thiệu về trống đồng và tham gia hoạt động tô hoa văn trên mặt trống đồng. Học sinh khối THCS và THPT sẽ tham gia học tập, trải nghiệm các hoạt động như: đoán tên di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh thông qua những hình ảnh cho sẵn và thử tài thuyết minh giới thiệu về di sản đó. Hoặc các em sẽ được nghe bài hát “Đường về Thanh Hóa” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng, sau khi nghe bài hát học sinh sẽ phải ghi nhớ tên, trả lời những câu hỏi liên quan đến các di tích lịch sử, nhân vật lịch sử, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, làng nghề,… nhắc đến trong bài hát.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa) Nguyễn Thị Thúy Hòa cho biết: “Cùng với các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề được tổ chức tại trường, chúng tôi thường xuyên tổ chức đưa học sinh các khối lớp đến tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh. Việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các di sản văn hóa của quê hương đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, gắn lý thuyết với thực tiễn của học sinh nhà trường. Mặt khác, góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc ngay từ bậc tiểu học”.
Những tưởng thời đại công nghệ 4.0, học sinh tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ số sẽ ít hứng thú với hiện vật lịch sử, song thực tế mỗi chương trình ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh đều trở nên lý thú, bổ ích đối với mỗi học sinh, sinh viên. Học sinh Mai Đức Anh (Trường Tiểu học Điện Biên 2, TP Thanh Hóa) cho biết: “Chúng em rất hào hứng khi được tham gia các hoạt động trải nghiệm, học tập tại Bảo tàng tỉnh. Tại đây, em thích nhất khi được trực tiếp nhìn thấy các hiện vật, đặc biệt là các bảo vật quốc gia”.
Cũng tại Bảo tàng tỉnh, vào tháng 7-2023 đã đón 120 thanh niên, sinh viên kiều bào tiêu biểu đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia chương trình “Trại hè Việt Nam năm 2023”. Đây là chương trình do Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan tỉnh Thanh Hóa cùng với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức. Tại đây, đoàn đã tham quan hệ thống trưng bày, tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người xứ Thanh qua các hình ảnh, hiện vật trưng bày… Cùng với đó là tìm hiểu về đời sống văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường, dân tộc Thái ở Thanh Hóa; tham gia trải nghiệm khua luống, đánh cồng và một số trò chơi dân gian truyền thống của người Việt như: nhảy sạp, đi cầu kiều, đi cà kheo, bịt mắt đánh cồng. Các hoạt động tại Bảo tàng tỉnh đã mang đến nhiều kiến thức lịch sử bổ ích, khơi dậy sự thích thú, hào hứng cho các bạn thanh niên, sinh viên kiều bào.
Cùng với Bảo tàng tỉnh, Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) là một trong những điểm đến quan trọng trong hành trình tìm hiểu, khám phá di sản văn hóa xứ Thanh. Trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều chương trình giáo dục gắn với di sản văn hóa. Trong đó phải kể đến các chương trình “Về miền di sản”, “Em là nhà khảo cổ học”,… Với đa dạng các nội dung trong mỗi chương trình như: “Học lịch sử thật tuyệt”; thi “Rung chuông vàng” với chủ đề “Về miền di sản”; trải nghiệm thực hành một số kỹ năng khai quật khảo cổ tại di tích (cách thức mở hố khai quật, làm sạch mặt bằng di tích, làm quen với các dụng cụ khai quật, chỉnh lý đánh số và phân loại hiện vật);…
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Nguyễn Bá Linh cho biết: “Trong những năm gần đây, cùng với việc đón khách du lịch, chúng tôi đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc và một số trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa. Tại đây, các em học sinh được trực tiếp tham quan, nghe hướng dẫn viên giới thiệu điểm đến, tìm hiểu Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, phòng trưng bày các hiện vật… Đặc biệt, học sinh được trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm ngay trong không gian văn hóa của di sản, từ đó khắc sâu được nhiều kiến thức hơn. Đây là cách “vừa chơi, vừa học” giúp các em thêm yêu di sản quê hương”.
Được biết, hầu hết các chương trình giáo dục truyền thống thông qua di sản đều có phản hồi tốt từ thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, mỗi trường học nên tận dụng khai thác nguồn di sản văn hóa tại địa phương – những di sản văn hóa gần gũi, dễ tiếp thu với học sinh. Cùng với đó, các điểm đến cần phối hợp với nhà trường để xây dựng chương trình, chủ đề giáo dục linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng khu vực (nông thôn, đô thị, miền núi, ven biển,…) và phù hợp với từng cấp học.
Bài và ảnh: Hoài Anh