Nhiều nghệ sĩ đã lợi dụng sự nổi tiếng của mình để thực hiện quảng cáo gian dối, thổi phồng sản phẩm nhằm “đánh cắp” lòng tin của người tiêu dùng, cũng chính là những người yêu mến, hâm mộ họ.
Ở nhiều nước, quy định về quảng cáo liên quan đến người nổi tiếng rất khắt khe, không chỉ cơ quan quản lý thực hiện nghiêm, mà bản thân nghệ sĩ cũng nhận thức rõ để xây dựng ý thức tuân thủ. Trong số đó có quy định gọi là “phong sát” ở Trung Quốc, được hiểu là một lệnh cấm, áp dụng cho nghệ sĩ hoặc nhân vật có ảnh hưởng đến công chúng khi họ gặp vướng mắc nghiêm trọng ngoài cuộc sống, nghệ sĩ rất sợ khi vướng vào quy định này.
Ở nước ta, Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ban hành kèm theo Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL, ngày 13/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định nghệ sĩ không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức. Khi nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật… Trước quy tắc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản hướng dẫn, định hướng hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng như hoạt động của nghệ sĩ…
Quy định được tuyền truyền, phổ biến rộng rãi, cơ quan quản lý văn hóa các cấp, đơn vị tổ chức quảng cáo và nghệ sĩ đều biết, nhưng rồi vi phạm vẫn xảy ra một cách có hệ thống. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý chưa kiểm tra, giám sát hết các vi phạm, cũng như chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý. Đơn vị quảng cáo và không ít nghệ sĩ thì bị đồng tiên thúc dục dẫn đến vi phạm, rồi lại tái phạm.
Được biết, trong thời gian tới cùng với tăng cường xử lý vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng “danh sách trắng”, là những nghệ sĩ không vi phạm quảng cáo sai sự thật để khuyến khích các doanh nghiệp chọn để quảng cáo. Còn “danh sách đen” là những nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo từng bị xử phạt, tái phạm, để khuyến cáo các đơn vị nghệ thuật và quảng cáo hạn chế cho biểu diễn, phát sóng.
Biết rằng “danh sách đen” này chưa thể ngay lập tức ngăn lại làn sóng vi phạm, nhưng sẽ góp phần răn đe, cảnh báo nghệ sĩ giữ mình. Chừng mực nào đó, đây được xem là biện pháp giúp “tẩy trắng” lòng tham, sự lệch lạc của một bộ phận nghệ sĩ bất chấp lâu nay. Bởi nghệ sĩ dù có nổi tiếng đến đâu nhưng một khi bị cơ quan quản lý đặt vào diện theo dõi, kiểm soát, trước sau gì cũng sẽ bị công chúng quay lưng, sự nghiệp tiêu tan.
Hạnh Nhiên