Đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS & CKCN) đã thu hút được 725 dự án đầu tư; trong đó, có 75 dự án đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp (DN) tại KKTNS & CKCN đang tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động. Những năm gần đây, chất lượng nguồn lao động đã được nâng cao một bước, tuy nhiên những vị trí cần trình độ kỹ thuật cao, năng lực ngoại ngữ thì lao động nội tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
Thi công cơ khí chế tạo shelter tại PTSC Thanh Hóa.
Với hơn 300 dự án đăng ký đầu tư, KKTNS hiện đã có 143 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 35.000 lao động. Tuy nhiên tại nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài và những DN lớn thì số lượng lao động tại chỗ “chen chân” được không nhiều, nhất là tại các vị trí như chuyên gia, lao động chuyên môn cao. Các DN này chủ yếu thu hút các vị trí nhân lực quan trọng tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thậm chí là các tỉnh lân cận như: Ninh Bình, Nghệ An…
Theo đại diện Ban Quản lý KKTNS & CKCN, thực tế trong giai đoạn khó khăn vừa qua, một số DN tại KKTNS có thực hiện cắt giảm lao động. Tuy nhiên, lực lượng lao động cắt giảm chủ yếu là lao động phổ thông, các vị trí có tay nghề cao, có trình độ ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của công việc vẫn được các DN giữ lại để chờ đợi cơ hội thị trường hồi phục.
Cùng với đó, một số DN có thêm dự án mới còn thực hiện tuyển dụng thêm lực lượng lao động phù hợp. Ông Phạm Hùng Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật PTSC Thanh Hóa chia sẻ: “Chúng tôi mới tuyển dụng thêm 300 lao động là những kỹ sư, thợ lành nghề, kỹ thuật cao để thực hiện dự án chế tạo cơ khí mới; đồng thời bổ sung lao động để thực hiện bảo dưỡng các hạng mục cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, chủ yếu DN tuyển dụng được lao động đã từng được đào tạo và làm việc tại các môi trường tương đồng dịch chuyển về tỉnh sau dịch COVID-19 chứ không phải lao động tại chỗ”.
Không chỉ là vấn đề chuyên môn, kỷ luật và năng suất lao động tại chỗ của Thanh Hóa cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều nhà thầu trong quá trình đầu tư thi công và cũng đang là những lăn tăn của nhiều chủ đầu tư khi nhà máy đi vào vận hành khai thác. Ông Chu Sheng Hua, Giám đốc dự án của Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam (KCN Bỉm Sơn), cho biết: “Trong giai đoạn cao điểm xây dựng vừa qua, có thời điểm chúng tôi phải huy động hàng nghìn công nhân làm việc để kịp tiến độ. Hiện nay trong giai đoạn hoàn thiện, chúng tôi cũng có các đội thi công từ 300 – 400 nhân lực gấp rút tập trung. Mặc dù không quá khó để tìm kiếm nhân công, tuy nhiên chất lượng, năng suất lao động tại chỗ cũng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu”.
Cùng với trình độ tay nghề kỹ thuật và kỷ luật lao động, thì trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm trong giao tiếp, đàm phán hợp đồng cũng là điểm hạn chế của nguồn lao động tại chỗ. Trưởng Văn phòng đại diện Ban Quản lý KKTNS & CKCN tại Bỉm Sơn Phạm Nhật Tân chia sẻ: “KCN Bỉm Sơn hiện nay đã thu hút được 56 dự án đầu tư thứ cấp; trong đó có 30 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, 9 dự án đang đầu tư xây dựng. Các dự án còn lại đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Phần lớn các nhà đầu tư tại KCN Bỉm Sơn là nhà đầu tư nước ngoài, đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Ngoài ngôn ngữ bản địa, hầu như các lãnh đạo của nhà máy đều có thể giao dịch được bằng tiếng Anh. Đối tác của họ cũng giao dịch thông thạo như vậy nên khi tuyển dụng lao động thì cũng có những yêu cầu tương tự về ngoại ngữ đối với nhân viên. Tuy nhiên, đây lại là hạn chế lớn nhất của lực lượng lao động tại chỗ, khiến cho nhiều người mất đi những cơ hội công việc với mức lương tốt”.
Được biết hiện nay, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho KKTNS & CKCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức liên kết, phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề… tham gia giảng dạy tại trường, hướng dẫn học sinh, sinh viên thực tập tại DN và đào tạo theo đơn đặt hàng của DN…. Nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong tỉnh cũng đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ với DN để vừa nâng cao được chất lượng đào tạo, đồng thời giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.
Ở chiều ngược lại, nhiều DN cũng chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo từ lý thuyết tới thực hành để sát với yêu cầu thực tiễn về công nghệ. Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với DN trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng lao động mới cũng chỉ dừng lại ở việc đáp ứng trình độ cơ bản.
Theo Đề án “Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, tại KKTNS đặt mục tiêu thu hút mới 17 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa dự kiến thu hút 3 – 6 công ty sở hữu công nghệ gốc nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong đó, nhiều thị trường chú trọng đều là những quốc gia có trình độ công nghệ và chất lượng cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cô-oét, Nga, Hoa Kỳ, EU… Để đáp ứng nhu cầu lao động cho các DN, việc định hướng, đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện lao động đang là vấn đề đặt ra mà tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm hiện nay.
Bài và ảnh: Bách Nguyên