Hơn 9 tháng năm 2023, tỷ lệ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Nga Sơn luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Đây là kết quả của những giải pháp quyết liệt, xuất phát từ nhận thức về ý nghĩa của các dự án với phát triển kinh tế – xã hội.
Đập chính chặn dòng sông Lèn thuộc Dự án Thủy lợi sông Lèn đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
2 dự án được coi là lớn nhất đang được triển khai năm 2023 trên địa bàn huyện Nga Sơn là tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn và Dự án đường từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa. Xác định 2 dự án giao thông trọng điểm của quốc gia và của tỉnh, có tác động lớn đến thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện, từ đầu năm, huyện đã quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, đẩy mạnh từng khâu GPMB. Đến thời điểm giữa năm 2023, 100% mặt bằng của dự án đường bộ ven biển qua huyện đã được hoàn thành và bàn giao. Đến đầu tháng 8 vừa qua, toàn bộ phần mặt bằng của Dự án đường từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa đã hoàn thành GPMB. Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung nhân lực, máy móc để thi công.
Tại xã vùng biển Nga Thủy một ngày giữa tháng 10, rầm rập các máy móc hiện đại đang thi công 2 công trình trọng điểm quốc gia nhờ được bàn giao mặt bằng sạch. Đầu tiên là công trình đập chính chặn dòng sông Lèn thuộc Dự án Thủy lợi sông Lèn giữa huyện Nga Sơn và Hậu Lộc, đã thành hình một công trình sừng sững vắt ngang dòng sông nhằm ngăn nước biển thâm nhập và tạo thành đập nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho nhiều huyện ven biển. Cách đó chừng 200m thuộc địa phận thôn Hoàng Long cùng xã, cầu vượt sông Lèn thuộc dự án đường bộ ven biển cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Từng bãi cấu kiện bê tông, các thiết bị hiện đại của 2 dự án đã được tập kết kéo dài gần nửa cây số dọc triền sông.
Thống kê từ UBND huyện Nga Sơn, năm 2023, trên địa bàn huyện triển khai 23 dự án đầu tư công lớn nhỏ, trong đó có 3 dự án dân cư đô thị, 6 công trình đường giao thông, 3 dự án cơ sở tôn giáo… Ngoài ra, huyện còn chịu trách nhiệm GPMB để các doanh nghiệp triển khai 4 dự án Nhà nước thu hồi đất là: cụm công nghiệp Tam Linh, cụm công nghiệp Tư Sy và 2 dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV Nga Sơn. Tổng diện tích phải GPMB để triển khai các dự án trên là 120,89 ha, theo kế hoạch năm 2023 là 42,11 ha.
Ông Trương Giang Nam, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Nga Sơn, cho biết: Tính đến ngày 10-10, tổng diện tích GPMB cho các dự án đầu tư công theo kế hoạch 2023 được tỉnh giao đã đạt gần 90%. Đây là kết quả GPMB tốt nhất của huyện trong nhiều năm qua, bởi như năm 2022, đến cùng thời điểm này, huyện cũng chỉ đạt trên dưới 50% kế hoạch GPMB của cả năm. Hơn 10% diện tích còn lại chưa được giải phóng do nguyên nhân khách quan là vướng diện tích đất lúa nên huyện đang phải chờ kế hoạch chuyển đổi của tỉnh. Hơn nữa, một số diện tích trong số đó do bà con đang canh tác nên phải chờ thu hoạch xong mới GPMB.
Để có được những kết quả khả quan trong GPMB, từ những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, huyện đã tổ chức ký cam kết GPMB với các chủ đầu tư dự án. Với những vướng mắc liên quan đến xác định nguồn gốc đất, huyện đã kịp thời kiến nghị và phối hợp với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ.
Cũng theo ông Trương Giang Nam, từ đầu năm, UBND huyện Nga Sơn đã quán triệt thực hiện Kế hoạch số 15/KH-UBND, ngày 31-1-2023 của UBND tỉnh về “GPMB để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến các chủ đầu tư”. Từ đó, UBND huyện yêu cầu UBND các xã có dự án đi qua và các nhà đầu tư ký cam kết tiến độ GPMB theo từng giai đoạn cụ thể.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền được huyện đẩy mạnh, với nhiều hình thức, trọng tâm là nêu vai trò quan trọng của công tác GPMB để triển khai các dự án cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, địa phương và chính người dân. Từ đó, người dân đồng thuận, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động; các cấp chính quyền trong huyện có quyết tâm chính trị cao nhất trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chung này.
Bài và ảnh: Lê Đồng