Xác định vụ đông sẽ từng bước trở thành vụ sản xuất chính, với sự chuyển tiếp nhiệt độ đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú đa dạng về chủng loại cây trồng, đáp ứng nhu cầu về nông sản thời điểm cuối năm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Thiệu Hóa đã chuẩn bị các điều kiện về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… để sẵn sàng sản xuất đúng khung lịch thời vụ, đạt năng suất, hiệu quả cao.
Người dân xã Thiệu Thành áp dụng kỹ thuật che phủ nilon trong sản xuất cây trồng vụ đông.
Vụ đông 2023, huyện Thiệu Hóa phấn đấu gieo trồng 2.050 ha; trong đó, có 780 ha ngô, 55 ha ớt, 50 ha đậu tương, 120 ha khoai lang, 1.007 ha các loại rau màu… Với quyết tâm đạt mục tiêu cả về diện tích, sản lượng, giá trị kinh tế, từ cuối tháng 8, huyện đã tổ chức hội nghị ban hành phương án sản xuất vụ đông, trong đó chú trọng sản xuất đúng khung lịch thời vụ; ưu tiên các vùng đất cao, đất tốt, dễ thoát nước để gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như ớt xuất khẩu, ngô ngọt, đậu tương rau, khoai tây, bí đỏ… Bên cạnh đó, các xã, thị trấn có quỹ đất chuyên màu, đất bãi, sau khi thu hoạch các loại cây trồng vụ thu mùa phải khẩn trương gieo trồng các loại cây trồng vụ đông; đối với đất 2 lúa, ngay sau khi thu hoạch xong khẩn trương làm đất, tạo quỹ đất cho gieo trồng cây ngô và cây đậu tương, các cây ưa ẩm… Tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau an toàn tập trung tại thị trấn Thiệu Hóa và các xã Minh Tâm, Thiệu Toán, Thiệu Vận… và mô hình nhà màng nhà lưới sản xuất các loại rau, quả an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Huyện đấu mối với các doanh nghiệp để cung ứng các loại giống có năng suất, chất lượng cao cho người dân như ngô DK6919S, PCS102, khoai tây Marabel, ớt đông Demon-east-WestSeed, bí xanh, bí đỏ, xu hào, bắp cải, cà chua… Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện chuyển giao, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, làm tốt công tác dự tính, dự báo về tình hình sâu bệnh, phun thuốc đúng thời điểm, phòng trừ triệt để, không để sâu bệnh phát sinh ra diện rộng gây thiệt hại đến kết quả sản xuất, nhất là sâu bệnh trên các loại cây trồng xuất khẩu. Các đơn vị thủy nông phục vụ trên địa bàn bảo đảm đủ nước tưới cho cây trồng sinh trưởng phát triển, kịp thời tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.
Để khuyến khích người dân sản xuất, huyện Thiệu Hóa đã có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân, cá nhân trồng các loại cây vụ đông như: hỗ trợ 3 triệu đồng/ha đối với diện tích sản xuất ngô ngọt, ngô sinh khối liền vùng quy mô từ 3 ha trở lên; hỗ trợ 3 triệu đồng/ha đối với diện tích sản xuất khoai tây, ớt, đậu tương rau, bí đỏ liền vùng quy mô từ 2 ha trở lên; hỗ trợ 200 nghìn đồng/ha đối với ban chỉ đạo sản xuất vụ đông các xã, thị trấn đạt chỉ tiêu huyện giao (từ 100% trở lên đối với từng loại cây trồng và từ 100% trở lên tổng diện tích)…
Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa cho biết: Kết quả ở vụ đông 2022 là động lực để người dân mở rộng quy mô sản xuất cho vụ đông năm nay. Với truyền thống và trình độ thâm canh vụ đông của người dân Thiệu Hóa, huyện sẽ tiếp tục bám sát, chỉ đạo và hỗ trợ người dân thực hiện thắng lợi phương án sản xuất vụ đông 2023-2024. Bên cạnh các phương án đã và đang được triển khai, các xã, thị trấn được chỉ đạo chú trọng áp dụng khoa học vào sản xuất đại trà trong vụ đông như kỹ thuật che phủ nilon, ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới, sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân hữu cơ sinh học… và hạn chế việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào quá trình chăm sóc, bảo vệ cây trồng…
Bài và ảnh: Lê Ngọc