Để thực hiện công tác điều tra và nâng cao chất lượng thông tin đầu vào của các điều tra thống kê, thời gian qua, Cục Thống kê Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ để dữ liệu được xử lý nhanh, chính xác, phục vụ tốt cho các công tác điều hành chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cán bộ Cục Thống kê Thanh Hóa xử lý dữ liệu đầu vào của các cuộc điều tra thống kê.
Năm 2023, Cục Thống kê Thanh Hóa được giao thực hiện 20 phương án điều tra, 145 kỳ điều tra do Tổng cục Thống kê (TCTK) ban hành và 2 phương án điều tra phục vụ theo yêu cầu địa phương. Trong đó có 108 kỳ điều tra tháng, 20 kỳ điều tra quý, 10 kỳ điều tra mùa vụ và 7 kỳ điều tra năm. Để các cuộc điều tra được chính xác tuyệt đối, Phòng Thu thập thông tin thống kê cùng các phòng chuyên môn thuộc Cục Thống kê trực tiếp tiếp thu nghiệp vụ từ các hội nghị tập huấn do TCTK tổ chức; đồng thời mở các lớp tập huấn nghiệp vụ triển khai các phương án điều tra tại Cục Thống kê đến các chi cục thống kê huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, đội ngũ điều tra viên, giám sát viên được cục tuyển chọn vô cùng kỹ càng, một số cuộc điều tra có nghiệp vụ phức tạp, đội ngũ điều tra viên được trưng tập là công chức trong ngành thực hiện.
Căn cứ vào hình thức thu thập thông tin của các phương án điều tra, một số cuộc điều tra đã được đổi mới thực hiện theo phương pháp thu thập thông tin bằng bảng hỏi điện tử Webfom và CAPI. Hai ứng dụng này đã giúp ngành thống kê tỉnh thực hiện hiệu quả nhiều cuộc tổng điều tra quy mô lớn, trong đó có cuộc Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên phạm vi toàn tỉnh. Với hình thức hiện đại này, các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, đơn vị sự nghiệp chỉ cần kê khai qua bảng hỏi điện tử trên ứng dụng Webform, sau đó đội ngũ điều tra viên sẽ liên hệ qua điện thoại hoặc trực tiếp đến đơn vị điều tra cấp tài khoản và hướng dẫn nghiệp vụ. Còn đối với các đơn vị điều tra là hộ, trang trại… sẽ được thực hiện bằng phương pháp trực tiếp do đội ngũ điều tra viên đến thu thập thông tin phiếu điện tử CAPI được cài đặt trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh.
Ông Ngô Ngọc Thế, Trưởng Phòng Thu thập thông tin thống kê, Cục Thống kê tỉnh, cho biết: Các công tác thu thập thông tin tại đơn vị điều tra bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp, bằng phiếu giấy và phiếu điện tử webfom, CAPI đều được thực hiện theo quy định của phương án đề ra; phân quyền giám sát viên cấp tỉnh, cấp huyện một cách cụ thể, rõ ràng, không chồng chéo. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra và phân tích thông tin thống kê đã giúp chất lượng thông tin đầu vào của các cuộc điều tra thống kê được chính xác hơn; giảm được thời gian, công sức và kinh phí trong quá trình thực hiện thu thập, thẩm định thông tin.
Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra là yêu cầu cấp thiết của việc kiểm tra, hoàn thiện dữ liệu điều tra. Không chỉ giúp công tác thu thập thông tin được chính xác mà công tác phối hợp kiểm soát số lượng điều tra thống kê ngày một tốt hơn. Một số cuộc điều tra thống kê đã tăng tỷ lệ hoàn thành phiếu lên đáng kể so với trước đây; hầu hết các điều tra đều đạt tỷ lệ từ trên 90% trở lên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp đơn vị quản lý được hiệu suất làm việc của các điều tra viên như nơi thu thập thông tin, thời gian thực hiện nhiệm vụ…
Ngoài các cuộc thanh tra được duyệt, hằng quý, Cục Thống kê chia thành 4 đoàn kiểm tra, giám sát tại 11 – 12 huyện, thị xã, thành phố với những nội dung như: triển khai tập huấn nghiệp vụ, tuyển chọn đội ngũ điều tra viên, rà soát danh sách đơn vị điều tra và kiểm tra, giám sát đội ngũ điều tra viên thực hiện tại đơn vị điều tra. Tại chi cục thống kê huyện, thị xã, thành phố, công tác kiểm tra, giám sát được giao cho đội ngũ giám sát viên cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát đội ngũ điều tra viên thực hiện thu thập thông tin tại đơn vị điều tra. Tính đến hết tháng 9-2023, Cục Thống kê đã thực hiện được 15/20 phương án điều tra.
Thời gian tới, Cục Thống kê tỉnh tăng cường công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật kịp thời các biến động của tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành công việc. Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng thông tin đầu vào, nhất là chất lượng thông tin của các cuộc điều tra, tổng điều tra, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Bài và ảnh: Chi Phạm