Dù đã bước sang những tháng cuối năm, thế nhưng sức hút của các điểm đến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến nay vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Hiện nay, để tạo sức hấp dẫn trong việc thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách, các khu, điểm du lịch, các công ty lữ hành… trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực làm mới mình bằng việc tung ra thị trường nhiều sản phẩm, tour du lịch mới, đa dạng và kèm theo những chương trình khuyến mại hấp dẫn…
Giải chạy Marathon băng rừng Việt Nam (Vietnam Jungle Marathon) – Pù Luông lần thứ VI – năm 2023 sắp được tổ chức tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Vốn được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí mát mẻ trong lành, cùng những ngôi nhà sàn giản dị của đồng bào dân tộc Thái, Mường sinh sống, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, để có sức hấp dẫn và níu chân du khách, các đơn vị kinh doanh du lịch tại đây đã không ngừng nỗ lực phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo đáp ứng được nhu cầu thị trường trong suốt 4 mùa. Và ở thời điểm này, sau khi đã “chốt sổ” du lịch hè, hầu hết các đơn vị đều đang tích cực, tập trung mọi nguồn lực nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch thu – đông, bố trí lịch trình, trải nghiệm phù hợp cho du khách.
Theo chia sẻ của ông Quách Văn Linh, Giám đốc vận hành Khu nghỉ dưỡng Pu luong Casa: “Vào tháng 10, khi tiết trời đang chuyển mình sang thu, một vài cơn gió se lạnh bắt đầu xuất hiện thì du khách đến Pù Luông lại càng đông. Để phục vụ du khách dịp này, cũng như dịp tết dương lịch, tết nguyên đán sắp tới, các dòng sản phẩm du lịch mà chúng tôi đang hướng đến đó là khai thác nét văn hóa bản địa, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân như: ngắm cảnh cánh đồng ruộng bậc thang, các hoạt động tham quan tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, môi trường và các giá trị đa dạng sinh học tại Pù Luông. Cùng với đó, là du lịch ẩm thực khám phá các món của đồng bào dân tộc Thái, Mường như gà đồi, cá nướng…; tham gia giao lưu văn nghệ cùng đồng bào dân tộc. Ngoài ra, thay vì giảm giá tour, giá dịch vụ ở mức thấp nhất, chúng tôi tập trung kích cầu du lịch bằng việc gia tăng hoạt động trải nghiệm dành cho du khách như: chèo bè mảng, hướng dẫn khách đi bộ khám phá điểm đến lân cận, tổ chức team building.
Ngoài Pù Luông Casa, các khu nghỉ dưỡng Puluong Retreat, Puluong Eco Garden, Puluong Treehouse, Puluong Natura,… cũng đang nỗ lực làm mới mình để hút khách dịp cuối năm. Các chủ cơ sở tập trung xây dựng sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, văn nghệ vào dịp cuối tuần, các hoạt động đi bộ, ngắm cảnh, thể thao,… nhằm tăng tính hấp dẫn du khách. Các đơn vị đều đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng lượng lớn du khách đến trong dịp tổ chức Giải chạy Marathon băng rừng Việt Nam (Vietnam Jungle Marathon) – Pù Luông lần thứ VI – năm 2023 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 615 nghìn lượt khách quốc tế… Thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng tung ra chùm tour thu – đông, khởi hành từ tháng 9 đến tháng 12… |
Những tháng cuối năm, các khu, điểm du lịch trong tỉnh đã và đang chuẩn bị tốt các điều kiện, làm mới dịch vụ để sẵn sàng đón và phục vụ du khách. Tại huyện Thạch Thành, theo chia sẻ của bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện: Năm 2023, huyện đặt mục tiêu đón 150 nghìn khách du lịch. Trong những tháng cuối năm, huyện đang tập trung mở rộng thị trường, đa dạng hóa nguồn khách. Đồng thời tận dụng triệt để tiềm năng du lịch 4 mùa, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch như: du lịch tâm linh tham quan Đền Phố Cát, chùa Cảnh Yên, đình Mường Đòn, hang Con Moong, Chiến khu Ngọc Trạo; du lịch sinh thái Thác Mây, Thác Voi… Cùng với đó, huyện đã và đang tích cực đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nhằm cung ứng sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách, như: nghề dệt thổ cẩm (xã Thạch Lâm, Thành Yên); đồ dùng mây, tre đan (thị trấn Vân Du, Thạch Định, Ngọc Trạo)… phục vụ phát triển du lịch.
Thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng tung ra chùm tour thu – đông, khởi hành từ tháng 9 đến tháng 12. Bà Dương Thị Hà, Phó phòng Kinh doanh, Công ty CP Thương mại và du lịch Lê Gia: “Căn cứ tình hình thực tế và nắm bắt xu hướng thị trường dịp cuối năm, các tour du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch nông nghiệp… sẽ hút khách, công ty đã chủ động xây dựng thêm nhiều tour, tuyến du lịch phục vụ khách trong và ngoài tỉnh như: khu di tích lịch sử Lam Kinh – Pù Luông – bản Mạ; Pù Luông – suối cá Cẩm Lương – Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình) – Lam Kinh… Đồng thời, để kích cầu du lịch công ty đang thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá tuor cho khách du lịch từ 15 – 30%. Ở thời điểm hiện tại so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách đặt tour cao hơn khoảng 30%”.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 615 nghìn lượt khách quốc tế. Để góp phần hoàn thành mục tiêu, ngành du lịch Thanh Hóa đã và đang tập trung các giải pháp để tiếp tục thu hút du khách dịp cuối năm mạnh mẽ hơn nữa bằng việc đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đậm bản sắc dân tộc, kết nối các không gian du lịch, tạo thành trải nghiệm riêng, phù hợp với thị hiếu của du khách. Đồng thời, phát triển các loại hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt