Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Mường Lát là chủ rừng được Nhà nước giao quản lý, sử dụng diện tích 3.476,69 ha rừng và đất rừng.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát trong một buổi tuần tra, định vị, tổ chức đánh dấu mốc tạm thời tại các vị trí xung yếu để phân định rõ ranh giới quản lý.
Hàng năm, ban đã xây dựng phương án giữ vững ổn định an ninh rừng và quản lý chặt chẽ nguồn lâm sản; phương án tác chiến chữa cháy rừng; kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); xây dựng bản đồ quy hoạch đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng. Các loại đất, loại rừng được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích, phù hợp tiêu chí quy định. Diện tích đất quy hoạch cho rừng sản xuất được điều chỉnh đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế huy động mọi nguồn lực để BV&PTR. Trong các giải pháp quản lý, BV&PTR, ban luôn chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương có rừng để xác định ranh giới chủ quản lý; tổ chức giao khoán một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần dân cho các hộ dân địa phương nhận khoán quản lý, BV&PTR tận gốc; tuyên truyền cho các hộ chủ động PCCCR, BVR; ký cam kết không vi phạm Luật Lâm nghiệp; không để xảy ra tranh chấp, sử dụng đất sai mục đích, trái quy hoạch.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định về lâm nghiệp là biện pháp quan trọng trong công tác quản lý BV&PTR. Do vậy, lực lượng kiểm lâm viên địa bàn của BQL thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã và các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật BV&PTR; các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, BVR và quản lý lâm sản; các quy định về PCCCR. Theo đó, 9 tháng năm 2023 đơn vị đã phối hợp với 3 xã và thị trấn tổ chức tuyên truyền được 25 buổi/13 bản với 1.520 lượt người tham gia. Thông qua tuyên truyền, người dân nâng cao ý thức trong công tác BVR, PCCCR và trồng rừng; đã có 250 hộ dân ký cam kết BVR.
BQLRPH Mường Lát còn chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát rừng và xử lý các trường hợp xâm phạm rừng trái phép. Đơn vị thực hiện phối hợp với các lực lượng, đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn, các nhóm nhận khoán BVR tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng. Lực lượng chuyên trách BVR tại các trạm luôn bám sát địa bàn, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có thể xảy ra mất ổn định an ninh rừng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc vi phạm gây thiệt hại đến rừng. Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chuyên trách BVR đã tuần tra, kiểm tra được 326 lượt. Cùng với đó, BQLRPH Mường Lát đã trồng được 100 ha rừng (gồm 30 ha rừng phòng hộ thay thế, 70 ha rừng sản xuất); chăm sóc 120 ha rừng trồng (gồm 100 ha rừng trồng sản xuất, 20 ha rừng trồng phòng hộ). Phối hợp với các ngành bàn giao 387,43 ha đất lâm nghiệp về cho UBND huyện Mường Lát quản lý…
Giám đốc BQLRPH Mường Lát Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Để nâng cao nhận thức của người dân về quản lý BVR, hạn chế đến mức thấp nhất hành vi vi phạm tới rừng, thời gian tới
BQLRPH Mường Lát tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý BV&PTR và các văn bản dưới luật, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về BVR, PCCCR, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác BV&PTR, để mọi người thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, tăng cường công tác đối thoại trực tiếp giữa BQL với chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn để nắm bắt thông tin, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, kịp thời giải quyết những tồn tại, vướng mắc tại chỗ thuộc thẩm quyền của BQL, của chính quyền địa phương đối với Nhân dân. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tuần tra BVR của các trạm quản lý để không xảy ra điểm nóng về khai thác, phá rừng, xâm lấn đất rừng trái phép. Bám dân, hướng dẫn trong công tác trồng rừng để không xảy ra tình trạng trồng rừng với mật độ dày hoặc thưa so với thiết kế, trồng không đúng quy trình kỹ thuật; nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, BV&PTR, PCCCR, hạn chế mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, nâng cao độ che phủ rừng, góp phần bảo vệ tốt môi trường sinh thái và đời sống của Nhân dân trên địa bàn.
Bài và ảnh: Tiến Đạt