Thực tế đã chứng minh rằng, phát triển du lịch là con đường gần nhất để phổ biến và thông tin đến cộng đồng về vai trò và giá trị của tài nguyên tại các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN), vườn quốc gia (VQG). Và ngược lại, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học tại các khu BTTN, VQG chính là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy phát triển “du lịch xanh” trong tương lai.
Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh) – “điểm đến xanh” hấp dẫn khách du lịch.
Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên tương đối giàu có, tập trung chủ yếu tại VQG Bến En và các khu BTTN: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên và khu bảo tồn các loại hạt trần quý hiếm Nam Động, khu bảo tồn rừng sến Tam Quy. Hiện nay, cùng với việc thúc đẩy phát triển du lịch, việc bảo vệ các điểm đến trước những tác động tiêu cực lên tài nguyên thiên nhiên như: vấn đề rác thải, sự tác động đến cảnh quan, săn bắt chim, thú, xâm hại rừng… được các sở, ngành, ban quản lý (BQL) và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Nằm trên địa bàn huyện Thường Xuân, Khu BTTN Xuân Liên được biết đến là 1 trong 5 trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Đây là nơi duy nhất của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc, Bắc Trung bộ còn giữ được trên 5.000 ha rừng nguyên sinh có phân bổ các loại hạt trần quý hiếm. Trong đó, điển hình là quần thể cây samu, pơ mu cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Theo thống kê, tại đây có tới 1.228 loài thực vật bậc cao (trong đó 35 loài trong sách đỏ Việt Nam, 12 loài trong sách đỏ thế giới); 1.811 loài động vật hoang dã, trong đó có 29 loài ở mức đe dọa toàn cầu trong sách đỏ thế giới, 50 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Cùng với đó, Khu BTTN Xuân liên còn là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, với những đỉnh núi cao, hệ thống hang động huyền ảo, thác nước hùng vĩ… Đến với Khu BTTN Xuân Liên, du khách không chỉ được đắm chìm trong không gian xanh mát của đất trời, mà còn có cơ hội khám phá những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường tại đây.
Xác định phát triển du lịch gắn với BTTN là nhiệm vụ cấp thiết, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và quyết định phê duyệt Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Khu BTTN Xuân Liên, giai đoạn 2021-2030. Qua đó đã mở ra nhiều cơ hội mới để đánh thức tiềm năng về du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên rừng nơi đây. Đến nay, tại Khu BTTN Xuân Liên đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng và một số phân khu chức năng như: hệ thống đường giao thông vào các điểm du lịch, trung tâm đón tiếp du khách, nhà bảo tàng thiên nhiên, hồ sinh thái… Cùng với đó, BQL Khu BTTN Xuân Liên đã xây dựng Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 10 điểm du lịch và 10 tuyến du lịch (5 tuyến nội vi, 5 tuyến kết nối ngoại vi).
Giám đốc BQL Khu BTTN Xuân Liên Phạm Anh Tám cho biết: “Trong những năm qua, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển du lịch, chúng tôi chú trọng huy động sự vào cuộc của cộng đồng địa phương. Theo đó, BQL đã giao khoán hơn 10.000 ha rừng đặc dụng cho cộng đồng tại các thôn, bản vùng đệm khu bảo tồn, giúp người dân có thêm thu nhập, đồng thời gắn trách nhiệm của họ vào việc quản lý, bảo vệ rừng. Hàng năm, BQL tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo vệ rừng của cộng đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, cộng đồng các thôn, bản đã thực hiện kiểm tra an ninh rừng được 2.783 lần trên các tiểu khu nhận khoán, với hơn 300 thành viên tổ bảo vệ rừng tham gia. Đồng thời, các thôn, bản vùng đệm khu bảo tồn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp và hệ thống loa truyền thanh. Đến nay, việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên tại Khu BTTN Xuân Liên ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực”.
Cùng với Khu BTTN Xuân Liên, VQG Bến En (Như Thanh) là một trong những điểm đến được đông đảo du khách yêu thích. Với diện tích tự nhiên hơn 16.500 ha, trong đó có trên 8.500 ha rừng nguyên sinh, VQG Bến En có hệ động thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại cây gỗ quý hiếm. Hiện nay, BQL VQG Bến En đã xây dựng 8 tour du lịch tham quan lòng hồ và các đảo, trong đó tour du lịch thu hút đông đảo du khách nhất là tham quan đảo thực vật – đặc trưng của hệ sinh thái rừng Bến En. Chỉ mất khoảng 15 – 20 phút di chuyển bằng xuồng máy, du khách đã đặt chân đến đảo thực vật. Tại đây, cùng với hoạt động đi bộ khám phá rừng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hồ sông Mực, du khách còn có thể cắm trại, giao lưu văn nghệ, ẩm thực…
Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh Lê Ngọc Hoa, cho biết: “Bảo vệ các giá trị tài nguyên thiên nhiên hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững được huyện đặc biệt quan tâm. Trong đó, huyện tăng cường chỉ đạo các địa phương vùng đệm VQG Bến En đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, huyện chủ động mời các chuyên gia, doanh nghiệp đến khảo sát, tham vấn ý kiến nhằm xây dựng kế hoạch, phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực vùng đệm. Hướng đến mục tiêu tạo sinh kế, nâng cao đời sống của người dân bản địa, bảo tồn các giá trị văn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị cảnh quan tự nhiên”.
Có thể nói, cùng với việc phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, việc triển khai, thực hiện các giải pháp về quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước… tại các VQG, khu BTTN là yêu cầu cấp bách, cần được quan tâm thực hiện đồng bộ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hướng phát triển du lịch phù hợp với đặc thù của từng điểm đến, tránh tình trạng xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trở thành nguyên nhân của sự tàn phá môi trường… Hướng đến sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển du lịch với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, để mỗi điểm đến như VQG Bến En và các khu BTTN trên địa bàn tỉnh luôn là “điểm đến xanh”, hấp dẫn du khách.
Bài và ảnh: Hoài Anh