Sáng 28-9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã chủ trì hội nghị trực tuyến chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.
Các đại biểu tại điểm cầu Bộ NN&PTNT.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Văn Cường cùng đại diện các ngành liên quan của tỉnh.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Hội nghị nhằm mục tiêu đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC tại thông báo “Cảnh báo thẻ vàng” ngày 23-10-2017; trong đó tập trung vào kiểm tra các khuyến nghị của đoàn sau chuyến thanh tra lần thứ 3 vào tháng 10-2022 để đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Dự kiến chương trình làm việc với đoàn Thanh tra của EC sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 18-10-2023. Đoàn tiến hành kiểm tra kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Trong đó, đoàn tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã trình bày nội dung Kế hoạch tổng thể và kịch bản đón và làm việc với đoàn Thanh tra của EC lần 4 về chống khai thác IUU.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và kịch bản chi tiết đón đoàn EC theo các nội dung và yêu cầu được phân công. Thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC; tập trung triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Có biện pháp quyết liệt ngăn chặn, xử lý kịp thời, có kết quả tàu cá của tỉnh vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Triển khai có hiệu quả các quy định về quản lý tàu cá. Đảm bảo tất cả các tàu cá của tỉnh, thành phố phải được đăng kí cấp Giấy phép khai thác theo quy định và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu về đăng ký, cấp phép tàu cá của tỉnh, kết nối đồng bộ với cơ sở VNFISHBASE.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tổng hợp hồ sơ xử phạt triển khai Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, đặc biệt thực hiện nghiêm các quy định xử phạt đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nằm trong danh sách tàu cá IUU. Hồ sơ dữ liệu về thiết bị giám sát hành trình mất kết nối hoặc vượt ra ngoài ranh giới phải đảm bảo xử lý đến cùng, dễ truy cập. Đảm bảo hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản đầy đủ theo chuỗi từ khẩu kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng, thẩm định dữ liệu với cơ sở dữ liệu tàu cá, dữ liệu giám sát hành trình, danh sách tàu cá IUU, đến hồ sơ kiểm soát tại các doanh nghiệp xuất khẩu; đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận xuất sang thị trường EU.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu trên địa bàn các tỉnh phải đảm bảo hệ thống quản lý hồ sơ xuất khẩu có thể truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu và nguồn gốc nguyên liệu được khai thác từ Việt Nam. Duy trì vệ sinh sạch sẽ cảng cá, nước rửa sản phẩm khai thác phải là nước sạch nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm; sản phẩm khai thác lên bến và hàng hóa tập kết xuống tàu phải được xắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.
Các địa phương xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Đoàn EC trong thời gian Đoàn làm việc tại địa phương.
Hải Đăng