Ngày 26-9, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được tổ chức hội nghị để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 9 tháng; đề ra nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Toàn cảnh hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chủ trì hội nghị.
Các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng đại biểu dự hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng các đại biểu dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các Ban của Trung ương Đảng; các đồng chí: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đỗ Quốc Cảnh trình bày báo cáo tình hình thực hiện 9 tháng, trọng tâm công tác quý IV năm 2023; định hướng mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Nhiều chỉ tiêu vượt và hoàn thành mục tiêu kế hoạch
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023 do đồng chí Đỗ Quốc Cảnh, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy trình bày, nêu rõ: Trong 9 tháng năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, hệ thống chính trị của tỉnh vẫn giữ vững ổn định và tiếp tục đạt được kết quả quan trọng. Trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng và triển vọng 3 tháng cuối năm, ước thực hiện 26 chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 có 4 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, 16 chỉ tiêu hoàn thành mục tiêu kế hoạch, 6 chỉ tiêu phải nỗ lực, phấn đấu rất cao mới đạt được mục tiêu kế hoạch.
Trong 9 tháng, kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,73%, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,75%; công nghiệp – xây dựng tăng 10,28% (công nghiệp tăng 11,13%; xây dựng tăng 8,22%); dịch vụ tăng 7,15%…
Có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 104 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh.
Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 28.728 tỷ đồng, bằng 81% dự toán, trong đó: thu nội địa ước đạt 17.638 tỷ đồng, bằng 81% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 11.090 tỷ đồng, bằng 82% dự toán. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 103.190 tỷ đồng, bằng 73,7% KH, tăng 0,9% so với cùng kỳ… Trong 9 tháng, toàn tỉnh kết nạp được 6.140 đảng viên mới, bằng 75,6% kế hoạch.
Các đại biểu dự hội nghị.
Việc quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bài bản và sâu rộng. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách tiếp tục được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện.
Văn hóa – xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; nhiều hộ gia đình nghèo nhiều năm sinh sống trên sông, ở khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được hỗ trợ xây dựng nhà ở nơi an toàn; đời sống Nhân dân ổn định. Các sự kiện lớn của tỉnh đã được tổ chức thành công, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, dư luận và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh (PAPI, SIPAS, PAR INDEX) xếp trong nhóm dẫn đầu cả nước. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Báo cáo cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân, hạn chế và yếu kém, đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và định hướng kế hoạch năm 2024.
Nhìn nhận khó khăn và đề xuất giải pháp cho phát triển
Thảo luận tại hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã làm rõ thêm những kết quả đạt trong 9 tháng qua; đồng thời tập trung đi sâu phân tích, đánh giá về tình hình sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ thương mại, du lịch, thu hút đầu tư…
Đồng chí Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Nguyễn Tiến Hiệu phát biểu tại hội nghị.
Trong đó, đồng chí Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Nguyễn Tiến Hiệu cho rằng: 9 tháng năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thanh Hóa đã thu hút được một số dự án có quy mô lớn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất vẫn là công tác GPMB, nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng do còn vướng mắc về GPMB nên chưa triển khai được. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tập trung chỉ đạo để đẩy mạnh công tác GPMB, triển khai thi công tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án triển khai trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Đi sâu vào phân tích công tác quy hoạch, đồng chí Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân cho rằng tỉnh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp… Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của một số đơn vị, trong đó có các đơn vị chủ lực của tỉnh. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung bàn để có phương án lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam phát biểu tại hội nghị.
Đồng tình với các nội dung trong báo cáo đã nêu, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam cho rằng: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả mà tỉnh ta đạt được trong 9 tháng 2023 hết sức ấn tượng. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng cần chỉ rõ tiến độ triển khai một số dự án đến nay rất chậm, cần phải quyết tâm, cố gắng hơn nữa. Hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả chưa cao; cần tập trung tìm kiếm, bám sát các nhà đầu tư để kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó, còn có một số chủ đầu tư năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm…
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên cho rằng: 9 tháng qua, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt kết quả tích cực; trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
Trên cơ sở phân tích làm rõ những kết quả và chỉ ra một số tồn tại hạn chế, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đã gợi mở và đề xuất thêm một số nhiệm vụ, giải pháp đó là: Tỉnh cần có giải pháp giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng…, chuẩn bị GPMB sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh. Cần xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong GPMB triển khai đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Có giải pháp giải quyết và minh bạch hóa việc quản lý, cung cấp nguồn đất san lấp phục vụ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Cần có thời gian để giải quyết sớm việc tính tiền giao đất các dự án đầu tư có sử dụng đất… Nên tập trung bàn, giải quyết dứt điểm các vướng mắc kéo dài để triển khai các dự án… Bên cạnh đó cần có giải pháp để đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác, tạo điều kiện để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã phân tích làm sâu sắc thêm những kết quả nổi bật toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó nhấn mạnh 9 tháng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó có nhiều khó khăn mới, nhiều khó khăn mang đặc thù riêng của tỉnh. Trong bối cảnh đó, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực rất lớn, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất. Do vậy, kinh tế – xã hội của tỉnh giữ vững ổn định và tiếp tục tăng trưởng, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, nếu duy trì đà này, Thanh Hóa hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng GRDP trên 8% năm 2023.
Thống nhất với những hạn chế, yếu kém được nêu trong dự thảo báo cáo, cũng như các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã chỉ ra, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp cần nhìn thẳng vào thực tế, rút ra các bài học kinh nghiệm, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc. Đặc biệt là phải khắc phục cho được tâm lý giữ an toàn cho mình nhưng gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân khác và cản trở sự phát triển đang tồn tại ở một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ thêm một số hạn chế, bất cập trong công tác điều chuyển giáo viên, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời; tính tiền phong gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có một số lãnh đạo quản lý các cấp chưa cao.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu năm 2023 ở mức cao nhất
Toàn cảnh hội nghị.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Nhiệm vụ của quý IV năm 2023 là rất lớn và rất nặng nề, thời gian không còn nhiều, nên các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần bám sát vào chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để thực hiện thắng lợi toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 ở mức cao nhất. 6 chỉ tiêu khó đạt phải phấn đấu đạt ở mức cao nhất, những chỉ tiêu đã đạt phải phấn đấu không dừng lại để đạt cao hơn, để bù đắp lại cho những chỉ tiêu khó đạt. Trước mắt, khẩn trương rà soát, đánh giá, xác định rõ các nội dung, công việc còn lại 3 tháng cuối năm 2023, phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện, quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu của năm 2023.
Trước hết, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trên lĩnh vực nông nghiệp, tập trung thu hoạch vụ mùa, sản xuất vụ đông kịp thời vụ, đảm bảo diện tích và cơ cấu cây trồng. Đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, thủy sản, hoàn thành kế hoạch trồng rừng. Trên lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, cần thúc đẩy nhanh các dự án trọng điểm, khẩn trương hoàn thành đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp phía Tây huyện Hoằng Hóa, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đây là những động lực phát triển quan trọng của tỉnh, do vậy cần phải làm nhanh, làm dứt điểm. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên giải ngân dứt điểm nguồn vốn chuyển tiếp 2022. Tăng cường các giải pháp thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu đạt mức cao nhất và hoàn thành mục tiêu vượt 10% dự toán. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, làm tốt công tác an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trên lĩnh vực công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh 2 nhiệm vụ trọng tâm: Một là, khẩn trương hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính, với tinh thần càng sớm càng tốt để trình Bộ Nội vụ thẩm định, phê duyệt. Hai là, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị theo Quy định 96 của Bộ Chính trị, đảm bảo đánh giá một cách khách quan, thực chất, làm cơ sở để thực hiện công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ.
Đối với định hướng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất, đồng thời giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chuẩn bị kỹ hơn để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trình HĐND tỉnh vào cuối năm.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và thống nhất với các tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, chi ngân sách địa phương 9 tháng, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023; định hướng dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Minh Hiếu