Để hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, huyện Ngọc Lặc đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX và người dân tích tụ, tập trung đất đai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Mô hình trồng vải không hạt trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm (Ngọc Lặc).
Nhờ tích tụ, tập trung đất đai, xã Quang Trung đã hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như mô hình trồng mít Thái ở thôn Quang Thái Bình với quy mô diện tích 12 ha; trang trại tổng hợp ở thôn Thuận Hòa với 8,5 ha trồng dứa gai, bưởi, sắn dây, nghệ; trang trại tổng hợp ở thôn Thuận Hòa với 5 ha trồng các loại cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản; mô hình nuôi chim cút thịt với quy mô nuôi hơn 500 con/lứa và mô hình chăn nuôi gà thịt với số lượng 3.000 con ở thôn Quang Thái Bình…
Ông Phạm Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung, cho biết: Bám sát chương trình hành động của huyện Ngọc Lặc về triển khai thực hiện Nghị quyết số 13, ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, từ năm 2019 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã tích tụ, tập trung đất đai được 50 ha đất nông nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu của thị trường. Hiện các mô hình tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn xã đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giúp người dân xã Quang Trung vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Không những thế, các mô hình sản xuất nông nghiệp này còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, từ năm 2019 đến tháng 9-2023, toàn huyện đã tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao được 1.809 ha. Qua đó, một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được hình thành bước đầu phát huy hiệu quả. Nổi bật là sản phẩm Vải Ngọc không hạt trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm với diện tích 20 ha đã cho thu hoạch lứa đầu và được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh. Mô hình dưa kim hoàng hậu trong nhà màng tại các xã Lam Sơn, Minh Sơn, Kiên Thọ với quy mô 2 ha/mô hình… Nhiều vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, như: Cây dứa tại các xã Cao Thịnh, Ngọc Trung, Lộc Thịnh, Lam Sơn, Ngọc Liên với diện tích 740 ha; sắn dây tại các xã Ngọc Liên, Ngọc Sơn, Quang Trung diện tích đạt 160 ha/năm; cây có múi tại các xã Kiên Thọ, Lộc Thịnh, Thạch Lập, Cao Thịnh, Nguyệt Ấn, Ngọc Trung, Ngọc Sơn, Cao Ngọc với diện tích 270 ha…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc còn thu hút được các dự án chăn nuôi và sản xuất giống lợn công nghệ cao của Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa (thuộc Tập đoàn Xuân Thiện), với quy mô 180.000 con lợn thịt (trong đó thường xuyên có 5.600 lợn nái sinh sản, 29.000 lợn con sau cai sữa, 54.000 lợn khác các loại); trang trại của Công ty CP Phát triển nông nghiệp sạch KP Phúc Thịnh với quy mô 3.000 lợn nái; liên kết chăn nuôi gà với Công ty CP Nông sản Phú Gia phục vụ chế biến, xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao – 4A với quy mô gần 5 ha, công suất 936.000 con/năm tại các xã Minh Tiến, Lam Sơn…
Để nâng cao hiệu quả thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, huyện Ngọc Lặc đang tích cực tuyên truyền, động viên Nhân dân tiếp tục tích tụ, chuyển nhượng, thuê, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất vào doanh nghiệp, HTX để phát triển, tạo ra vùng sản xuất lớn. Trong đó, huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với các HTX, hộ nông dân tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị… Huyện cũng khuyến khích các chủ thể sản xuất đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với việc thực hiện chương trình OCOP.
Bài và ảnh: Hải Đăng