Ở nơi có con sông Hoạt chảy bao quanh, làng Thanh Đớn (xã Hoạt Giang) là vùng đất cổ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Nơi đây có đình làng và lễ hội Cơm Thi đặc sắc – một mỹ tục được duy trì suốt hàng trăm năm qua.
Di tích lịch sử – văn hóa đình Cơm Thi trên đất làng Thanh Đớn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống đặc sắc. Ảnh: Khánh Lộc
Thanh Đớn là một làng Việt rộng lớn trên địa bàn huyện Hà Trung (trước đây, làng thuộc xã Hà Thanh, sau khi sáp nhập hai xã Hà Thanh và Hà Vân, nay là xã Hoạt Giang). Thuở xa xưa, khi vẫn là vùng đất hoang vu, triều đình phong kiến với chính sách đồn điền đã đưa binh lính, người dân các nơi đến đây khai hoang lập làng. Trải qua quá trình quần cư, người dân chăm chỉ lao động, sản xuất đã từng bước góp phần vào sự phát triển của làng Thanh Đớn ngày nay.
Vùng đất Thanh Đớn khi xưa bao gồm nhiều làng nhỏ, sau đó “chia” thành Thanh Đớn nội và Thanh Đớn ngoại. Ngày nay gọi chung là Thanh Đớn. Nơi đây, trong lịch sử, vua Quang Trung trên đường hành quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh xâm lược đã dừng chân đóng trại tại Thanh Đớn, huy động quân lương. Người làng Thanh Đớn đã đóng nhiều của cải, vật chất, góp phần làm nên thắng lợi của chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789.
Theo lưu truyền và lời kể của các cụ cao niên trong làng, cùng với quá trình quần cư, khai hoang lập làng, phát triển kinh tế, người dân Thanh Đớn cũng “vun đắp” cho mình đời sống tinh thần, tín ngưỡng tâm linh phong phú. Nơi đây, từng có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc thờ tự, như đền thờ thần Cao Sơn, đền Thanh Ngoại, phủ Bà, chùa Con Nít, chùa Thanh Đớn… Tuy nhiên, vì nhiều nguyên do, đến nay chỉ còn sự hiện hữu của di tích lịch sử – văn hóa đình Cơm Thi được tôn tạo trên nền móng cũ.
Đình Cơm Thi là không gian văn hóa cộng đồng làng xã và là nơi thờ Thành hoàng làng Tô Hiến Thành – vị đại quan triều Lý có nhiều công trạng với đất nước, Nhân dân. Bên cạnh đó, đình còn phối thờ một số vị thần linh được người dân địa phương tôn kính.
Lý giải cho tên gọi của đình làng, ông Mai Xuân Trình cho biết: “Đình làng gắn liền với lễ hội Cơm Thi – một mỹ tục mà dù trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, thời gian vẫn được người dân Thanh Đớn trân trọng gìn giữ. Có thể nói, di tích và lễ hội đình Cơm Thi đã thấm đẫm, “bám sâu” vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân”.
Hàng năm, từ ngày mùng 10 đến 12 tháng Giêng, người dân Thanh Đớn lại tập trung về đình làng, tổ chức lễ hội đình Cơm Thi. Trong đó, phần lễ thành kính với tế lễ, dâng cỗ tam sinh…
Sau phần lễ là hội Cơm Thi sôi động, náo nhiệt và hấp dẫn. Vừa nói, ông Trịnh Văn Lai – thủ từ đình Cơm Thi vừa dẫn chúng tôi ra khu vực có 10 chiếc cối đá trong khuôn viên đình làng và tự hào giới thiệu: Không ai biết đích xác những chiếc cối này có tự bao giờ, chắc chắn không dưới cả trăm năm tuổi đâu. Trên từng chiếc cối đá đều được khắc chữ Hán cổ. Mỗi năm một lần, cối đá lại được sử dụng trong lễ hội đình Cơm Thi.
Đúng như tên gọi, trong hội đình Cơm Thi, cùng với nhiều trò chơi dân gian, dĩ nhiên không thể thiếu trò thi nấu cơm. Mỗi làng tham gia sẽ chọn những đôi nam nữ nhanh nhẹn, khéo léo, chưa lập gia đình để đại diện thi tài. Trong một thời gian hạn định, các đội thi sẽ phải nổi lửa, giã gạo, nấu cơm, xung quanh là tiếng hò reo, cổ vũ của người dân làng.
Sách Địa chí huyện Hà Trung viết về hội Cơm Thi ở làng Thanh Đớn như sau: “Mỗi phường cử ra 5 chàng trai và 5 cô gái. Các chàng trai khỏe mạnh, cởi trần, bó khố vải xanh; các cô gái mặc áo dài tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ. Mười chàng trai và mười cô gái chia thành 10 cặp, mỗi cặp một trai, một gái và một bếp lửa ở sân đình. Dân làng tề tựu đông đủ, vòng trong vòng ngoài để chứng kiến cuộc thi và cổ vũ người thi. Mỗi bếp được giao một cối đá, một chày tay gỗ, ba bát thóc, một cây giang hay nứa khô già. Từng cặp giã gạo trong cối đá, kéo lửa bằng cật giang và dùng chính cây giang ấy làm củi đun. Cặp nào cơm chín trước, cơm trắng, cơm dẻo, thơm, ngon thì giật giải. Cặp nào được nhất, vào đình, quỳ trước hương án lạy tạ thành hoàng làng, sau đó mới lĩnh giải. Giải thưởng chỉ bằng mươi đồng tiền nhưng giá trị rất lớn, vì được dân làng rước từ đình về nhà”.
Nói về hội đình Cơm Thi, ông Mai Xuân Trình cho biết thêm: Sự độc đáo của hội Cơm Thi trước tiên phải nói đến trò “kéo lửa”. Người ta phải dùng chính cật của cây giang, cây nứa để tạo nên lửa, từ đó mà nhóm bếp. Việc kéo lửa không chỉ cần dùng sức, mà còn cả sự khéo léo, kinh nghiệm. Vì thế mà ngày nay, ở Thanh Đớn không nhiều người biết đến kỹ thuật kéo lửa. Cụ Vũ Văn Sáu đã ngoài 90 tuổi được ví như “nghệ nhân” kéo lửa trong hội Cơm Thi của làng. Rồi đến việc giã gạo, nấu cơm… Tất cả đều cần đến sức mạnh kết hợp sự dẻo dai, khéo léo. Thiếu một trong hai đều không được.
Lại nói, xưa kia chưa có thiết bị xem giờ, nên trong thời gian các đội thi tài sẽ có “cái trò” vừa đeo trống vừa hát múa sôi động, xung quanh là tiếng hò reo, cổ vũ của người dân. Khi cái trò kết thúc tiết mục múa hát của mình, có nghĩa hết thời gian thi…
“Hội Cơm Thi là mỹ tục đặc sắc, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Ở đó rõ nhất có lẽ chính là khát vọng sinh tồn của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt, từ thuở sơ khai. Chúng tôi không biết lễ hội đình Cơm Thi có từ bao giờ. Nhưng ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn nét đẹp lễ hội thì người làng Thanh Đớn ai cũng hiểu”, ông Trình nói.
Đáng nói, trải qua thời gian dài, lễ hội đình Cơm Thi đến nay vẫn được duy trì tổ chức. Mỗi năm, vào dịp đầu xuân, người dân Thanh Đớn lại háo hức vui hội. Ông Phạm Xuân Quyền, công chức văn hóa – xã hội xã Hoạt Giang, cho biết: Đình và lễ hội Cơm Thi gắn chặt với đời sống tín ngưỡng văn hóa của người dân làng Thanh Đớn. Thông qua lễ hội, ngoài niềm vui, còn là ước vọng mong các vị thần linh, Thành hoàng làng phù trợ cho dân làng một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh… May mắn, dù cuộc sống mỗi ngày phát triển, nhưng người dân không “quay lưng” với các giá trị văn hóa truyền thống, không ai quên hội làng.
Khánh Lộc