Thanh Hóa có đầy đủ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh đặc biệt để bứt phá. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 – NQ/TW (NQ số 58), Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 (NQ số 37) để Thanh Hóa có được các cơ chế, chính sách đặc thù là kết quả của những nỗ lực ban đầu để chúng ta tạo đột phá trong thu hút đầu tư, huy động và phân bổ các nguồn lực phù hợp và có hiệu quả hơn trong quá trình phát triển. Điều quan trọng là làm sao để biến các cơ chế, chính sách ấy thành ưu thế vượt trội, động lực bứt tốc.
Diện mạo TP Thanh Hóa nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Nam
Ngay từ những ngày đầu xây dựng NQ số 58-NQ/TW, Bộ Chính trị đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Còn nhớ, ngày 17-7-2020, tại Trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về Đề án xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa thực sự trăn trở khi Tổng Bí thư liên tục nhấn mạnh: Với tiềm năng, lợi thế của mình, “Thanh Hóa không cam chịu đói nghèo”, “không thể thua kém các tỉnh khác được”. Ngắn gọn, giản dị thôi nhưng lời Tổng Bí thư vừa thổi bừng lên ý chí, nghị lực, vừa như tiếng trống lệnh, kim chỉ nam hành động cho tỉnh Thanh.
Để nghị quyết “thấm sâu” vào cuộc sống, trở thành động lực bứt phá mạnh mẽ, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Thanh Hóa đã chú trọng nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Chăm lo xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa vừa tích cực, chủ động vừa phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện NQ số 58, NQ số 37.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” không phải là nêu tên cơ chế, chính sách mà là thực hiện như thế nào
Theo NQ số 58, tỉnh Thanh Hóa được ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế. Tuy nhiên, NQ số 37 của Quốc hội mới ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực tài chính, phân cấp quản lý trong lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, quy hoạch. Do đó, để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa được đề ra tại NQ số 58, rất cần Bộ Nội vụ tổng hợp, xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy cho tỉnh Thanh Hóa, trình Chính phủ xem xét, ban hành theo quy định.
Đồng thời, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rất cần Bộ Tài chính sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nghị định hướng dẫn thực hiện chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn để tỉnh Thanh Hóa có cơ sở triển khai thực hiện.
Những vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có Công văn số 6158/UBND-NN ngày 8-5-2023 báo cáo và kiến nghị, đề xuất Thủ tướng xem xét, giải quyết. Theo đó, tỉnh đề xuất Trung ương ủy quyền cho HĐND tỉnh được chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng và phòng hộ đến 50ha và ủy quyền cho HĐND tỉnh được chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác đối với các dự án phục vụ quốc phòng an ninh quốc gia, dự án khẩn cấp, cấp thiết, các dự án đầu tư công có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, an sinh xã hội…
Đối với lĩnh vực văn hóa, du lịch, để có cơ sở phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm đưa định hướng phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với 3 loại hình chính: du lịch biển; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử và đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào danh mục khu du lịch quốc gia trong quy hoạch. Quan tâm tăng cường kinh phí hỗ trợ từ Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 để bổ sung nguồn lực giúp thực hiện tốt công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh…
Quy hoạch “dẫn dắt đổi mới sáng tạo” trong quá trình phát triển
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới theo tinh thần NQ số 58 là “thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành và lĩnh vực, quy hoạch phát triển các vùng, miền”. Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các khu vực, lĩnh vực cần quy hoạch, đồng thời chỉ ra những mâu thuẫn, thách thức khó khăn để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy.
Với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa đã tiến được những bước quan trọng trong việc đưa tầm nhìn quy hoạch và khát vọng Thanh Hóa phát triển trở thành hiện thực. Do đó, công tác tổ chức, thực hiện cần phải kịp thời, hiệu quả, mở đường cho những đột phá. Ông Phan Lê Quang – Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa nhận định: Công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng cụ thể hóa, hiện thực hóa NQ số 58. Có thể khẳng định rằng, Thanh Hóa đã rất chủ động trong công tác lập quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thậm chí, chúng ta đã đi trước từ nhiều năm khi sớm quy hoạch hệ thống đô thị, trong đó quan tâm đến các khu vực phát triển gắn các nút giao với đường cao tốc; có các điều kiện thuận lợi để quy hoạch các đô thị mới như đô thị Hà Long, Hà Lĩnh, Giang Quang, Gốm,… trong đó bố trí các khu chức năng, các khu công nghiệp, các khu đô thị để chuẩn bị tốt các điều kiện, đi đúng hướng, từ đó mở ra động lực phát triển kinh tế – xã hội ngay sau khi đường cao tốc Bắc – Nam được hình thành.
Tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt các dự án phát triển hạ tầng giao thông có tính kết nối, liên kết vùng cao và hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị như đường Hoằng Kim – Thiệu Long với nút giao Thiệu Giang, đường TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân với nút giao Đồng Tiến, đường Vạn Thiện – Bến En với nút giao Vạn Thiện. Hiện nay tỉnh đang nghiên cứu và triển khai các tuyến đường Đông Xuân – TP Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã (giai đoạn 2); đường vành đai 3 nhánh Đông; đang hoàn tất thủ tục đến cuối năm 2023 khởi công đường nối cao tốc Bắc – Nam, QL1A đi Cảng biển Nghi Sơn… Những “tuyến đường tương lai” ấy sẽ tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, tạo tiền đề cho sự bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Quy hoạch là một quá trình với những hoạch định – dự báo – tầm nhìn – tổ chức thực hiện, không thể “một sớm một chiều”. Vì vậy, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải cùng được quan tâm thực hiện đồng thời, không thể tách rời. Quá trình thực hiện, để phù hợp với những định hướng chiến lược, quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, các dự án trọng điểm quốc gia, đồng thời thích ứng với những biến động của tình hình phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị cần được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo định hướng phát triển được xác định trong từng thời kỳ. Hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa được phát triển theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với các đô thị Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phát triển trở thành một cực tăng trưởng mới theo tinh thần của NQ số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đưa kinh tế – xã hội chuyển hóa từ “lượng” sang “chất”
Triển khai thực hiện NQ số 58, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trên cơ sở đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, thực tiễn tại địa phương, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, để trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải – cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn…
Quan tâm, đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới; tiếp tục dành nguồn lực, thực hiện hiệu quả nhiều chính sách an sinh xã hội lớn, mục tiêu không để người dân nào tụt lại phía sau. Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…
Khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa
Xuyên suốt tiến trình xây dựng và phát triển của đất nước, mảnh đất xứ Thanh phải đương đầu, gánh vác nhiều sứ mệnh lịch sử quan trọng. Là bởi, “mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông… Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu… Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ quý, cũng khác mọi nơi. Bởi đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước” (Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú).
Với những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất, những vỉa tầng văn hóa – tín ngưỡng độc đáo nhất, mảnh đất ấy là nơi “níu giữ và quyến luyến như mọi địa điểm nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thống và vĩ đại… Thanh Hóa… còn là một hình ảnh của Bắc Kỳ thu nhỏ, nó có châu thổ trù phú và phì nhiêu, vùng Trung du cây cỏ bạt ngàn đồi lượn sóng, vùng cao lầm lỳ mà rừng đại ngàn um tùm bao phủ” (H. Le Breton). “Bao bậc đế vương xưa”, “bao kinh thành phủ bụi”, “bao chiến công oai hùng một thời liệt oanh”, xứ Thanh hội tụ khí thiêng, vang động lịch sử, truyền thống oanh liệt vẻ vang, tinh hoa văn hóa ít nơi nào có được. Đó thực sự là “tài sản” vô cùng quý báu, là câu trả lời thuyết phục cho câu hát vẫn ngân nga trong khảm mỗi người con xứ Thanh: “Vì sao sóng cuộn đò đầy vẫn qua”.
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn. Động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa có ở mọi khía cạnh của cuộc sống, nếu biết khơi dậy đúng hướng tính nhân bản, tính tích cực sẽ thúc đẩy sự phát triển tỉnh Thanh. Văn hóa là mặt trận, thành trì vững chãi, có sức mạnh hiệu triệu lòng dân, tạo thành cơn sóng lớn góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước. Do đó, trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới, Thanh Hóa cần kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tạo nền tảng để tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa và thể thao của khu vực và cả nước; chú trọng đầu tư, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực nhất để khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí phấn đấu, khát vọng phát triển lên tầm cao mới trong mỗi con người xứ Thanh.
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, mang tính chiến lược, cốt lõi. Thống nhất quan điểm chỉ đạo, trong thời gian qua, việc xây dựng con người Thanh Hóa được cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở triển khai một cách đồng bộ thông qua các phong trào: “Xây dựng gia đình văn hóa”; “Công dân kiểu mẫu”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”…
Trên hành trình phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới, xây dựng Thanh Hóa sớm thành tỉnh kiểu mẫu như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn,Thanh Hóa đã và đang không ngừng nỗ lực đổi mới tư duy, cách làm với tất cả tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm cao nhất theo phương châm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, “Trung ương mở đường, địa phương thúc đẩy, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia”.
Thùy Dương – Hương Thảo