Ngày 19-9, đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Lệ Thủy làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14, ngày 17-11-2020 của Quốc hội khóa XIV về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh hội nghị giám sát.
Làm việc với đoàn giám sát có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan và huyện Như Xuân.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại hội nghị giám sát.
Ngay sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng 586,45 ha rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để thực hiện dự án, tỉnh Thanh Hóa đã rà soát, chuẩn bị đủ quỹ đất trống để trồng rừng thay thế diện tích chuyển đổi của dự án. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế với tổng số tiền là 74,2 tỷ đồng. Hiện nay, hiện trạng khu vực rừng bị ảnh hưởng cần phải chuyển mục đích sử dụng khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang được bảo vệ nguyên trạng theo quy định của pháp luật (chưa thực hiện chuyển đổi trên thực tế).
Nguyên nhân là từ khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đến nay, dự án vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bổ sung kinh phí trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, do đó chưa thực hiện việc trồng rừng thay thế theo quy định.
Đại diện các sở, ngành của tỉnh tham gia hội nghị giám sát.
Đối với việc ổn định đời sống cho 119 hộ dân phải di dời trong vùng dự án, đến nay chủ đầu tư đã thống nhất với Công ty TNHH MTV Cao Su Thanh Hóa, UBND huyện Như Xuân, Nông trường Bãi Trành, UBND xã Xuân Hòa và Nhân dân thôn Thanh Sơn về vị trí khu đất bố trí tái định cư và được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thống nhất chủ trương bàn giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng khu tái định cư.
Hiện chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã hoàn thành việc cắm mốc, đo đạc lập bản đồ địa chính khu tái định cư diện tích 338,75 ha; tổ chức lập và phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết phân khu chức năng khu dân cư nông thôn cho khu vực bố trí tái định cư với diện tích 18,9 ha.
Các thành viên đoàn giám sát.
Trong quá trình thực hiện các hợp phần dự án, tỉnh Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nên đề nghị Quốc hội có ý kiến với cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, trong đó bổ sung đầy đủ kinh phí thực hiện việc trồng rừng thay thế và ổn định đời sống người dân vào tổng mức đầu tư của dự án và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2026; đồng thời bố trí đủ kế hoạch vốn và sớm phân bổ để thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện Như Xuân báo cáo tại hội nghị giám sát.
Đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Thanh Hóa để UBND tỉnh Thanh Hóa có cơ sở điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất của huyện Như Xuân đảm bảo đáp ứng nhu cầu của dự án.
Trên cơ sở thực tế, tỉnh Thanh Hóa không còn đủ quỹ đất để trồng rừng thay thế của dự án nên UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận việc nộp tiền trồng rừng thay thế khu vực lòng hồ trên địa bàn tỉnh với diện tích rừng cần trồng hơn 1.651 ha về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng tại địa phương khác theo quy định.
Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại hội nghị.
Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát và các ngành liên quan của tỉnh, huyện Như Xuân đã thảo luận về các quy định pháp luật để triển khai hợp phần dự án, trong đó tập trung vào nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trồng rừng thay thế và tiến độ thực hiện khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm nhấn mạnh, mặc dù phần công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, một phần khu vực ngập nước trên địa bàn huyện Như Xuân. Tuy nhiên, xác định đây là công trình lớn của Quốc gia, nên tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Nghệ An và các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các hợp phần được giao ngay sau khi có quyết định điều chỉnh đầu tư của Chính phủ, đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành có liên quan của tỉnh và UBND huyện Như Xuân chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thuỷ phát biểu tại hội nghị.
Qua các ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thuỷ đánh giá cao các sở, ngành, huyện Như Xuân và UBND tỉnh Thanh Hóa trong phối hợp thực hiện các hợp phần của dự án, tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, đề nghị tỉnh rà soát lại diện tích đất rừng để thực hiện trồng rừng thay thế, hoàn thiện các thủ tục với các đơn vị về bố trí tái khu định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Đoàn giám sát tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Như Xuân và các đơn vị liên quan để báo cáo Quốc hội giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Lê Hợi