Do ảnh hưởng của việc xả lũ hồ chứa nước Thủy điện Trung Sơn, cùng với mưa lớn trong những ngày vừa qua nên mực nước sông Mã dâng cao khiến cho dọc bãi sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ, thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) xảy ra tình trạng sạt lở.
Tình trạng sạt lở bờ sông Mã tại thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông thuộc địa phận xã Vĩnh Hòa đang diễn biến nghiêm trọng.
Video: Báo động tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc bãi sông Mã ở huyện Vĩnh Lộc.
Người dân xã Vĩnh Hòa cho biết: Hiện tượng sạt lở ở bờ sông Mã thuộc thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa đã diễn ra nhiều năm, tuy nhiên từ thời điểm tháng 6-2023 đến nay tốc độ sạt lở diễn biến nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị mất lớn hơn nhiều so với nhiều năm trước, đe doạ trực tiếp đến 32 hộ dân khu vực ngoại đê sông Mã. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì trong thời gian tới, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, bờ sông Mã khu vực này sẽ tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng.
Tình trạng sạt lở bờ sông tại thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Lộc đã xảy ra từ lâu, nhưng đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Hiện nay, có những khu vực sạt lở chỉ cách nhà dân trên dưới 70 m. Do vậy, nếu không có giải pháp căn cơ và lâu dài thì tình trạng sạt lở bờ sông không chỉ làm mất đất sản xuất, mà còn có thể đe doạ đến tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực. |
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, tổng chiều dài sạt lở bờ sông khoảng trên 600 m, trong đó đoạn đi qua khu vực mỏ cát số 18 của Công ty TNHH Minh Chung khoảng 200 m; đoạn hạ lưu mỏ cát số 18 (ngoài mốc mỏ) khoảng 400 m.
Hiện nay, có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng gồm: 1 điểm thuộc khu vực mỏ cát 18 (tại mốc số M5) chiều rộng sạt lở nơi lớn nhất khoảng 25 m, cách khu vực dân cư của thôn Nghĩa Kỳ xã Vĩnh Hòa khoảng 150 m; 2 điểm sạt lở ở hạ lưu mỏ cát số 18 (trong đó điểm số 1 cách mốc bê tông M5 khoảng 150 m, chiều dài cung sạt khoảng 100 m, chiều rộng cung sạt lở là 35 m, điểm sạt lở nơi gần nhất đến khu vực đất dân cư sinh sống là 90 m; điểm số 2 cách mốc bê tông M5 khoảng 250 m, chiều dài cung sạt là 80 m, chiều rộng cung sạt là 35 m, điểm sạt lở nơi gần nhất đến khu vực đất dân cư sinh sống là 120m).
Sau khi xảy ra sạt lở bờ sông ngày 6-7-2023, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo UBND xã Vĩnh Hòa phối hợp cùng Công ty TNHH Minh Chung thực hiện đóng cọc tre, chèn bao đất để gia cố bờ sông; tổ chức triển khai nhân lực và máy móc thực hiện đóng cọc, chèn bao tải đất vào bờ sông tại những vị trí đang xảy ra sạt lở.
Đến hết ngày 13-7-2023 hoàn thành việc gia cố bờ sông. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện nay, dọc bãi bồi thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông có nền địa chất chủ yếu là cát và đất phù sa, các mép lở đứng thành và có nhiều vết rạn, nứt, nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra là rất lớn.
Sau khi nhận được tin báo của UBND xã Vĩnh Hòa, UBND huyện Vĩnh Lộc đã thành lập đoàn xuống kiểm tra tại vị trí sạt lở của thôn Giang Đông và thôn Nghĩa Kỳ; họp với địa phương triển khai một số giải pháp để khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở bờ sông; yêu cầu UBND xã Vĩnh Hòa tiếp tục duy trì căng dây khoanh vùng và cắm thêm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở.
Đồng thời, thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cảnh báo sự cố sạt lở nguy hiểm để Nhân dân biết và phối hợp thực hiện.
Huyện Vĩnh Lộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu xã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nếu có hiện tượng diễn biến sạt lở tiếp tục xảy ra kịp thời báo cáo lên huyện. Huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tình hình sạt lở tại bờ sông Mã xã Vĩnh Hòa diễn biến hết sức phức tạp, UBND huyện Vĩnh Lộc đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan thành lập đoàn đánh giá nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Mã thuộc thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông để có giải pháp khắc phục; hỗ trợ UBND huyện khắc phục triệt để sự cố bằng giải pháp thi công công trình kè chống sạt lở khẩn cấp tại bờ sông Mã thuộc thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông để ngăn chặn sự cố sạt lở mở rộng.
Tô Hà