Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh đã từng bước bắt nhịp thị trường, áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia kết nối cung – cầu tiêu thụ hàng hóa, ổn định đầu ra sản phẩm.
HTX thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động nông thôn.
Huyện Thọ Xuân hiện có 49 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút hơn 10.800 thành viên tham gia. Sau khi kiện toàn, đổi mới phương thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX đã nhanh chóng cải tổ sản xuất. Một số HTX đã năng động kết nối, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường. Cùng với chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Thọ Xuân cũng đã thực hiện cơ chế hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) đã trang bị thêm các loại máy móc phục vụ cơ giới hóa đồng ruộng như máy cấy, máy sấy, máy gặt đập liên hợp, máy làm đất để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, như: HTX DVNN Thọ Xương, HTX DVNN Toàn Năng, HTX DVNN Xuân Thành… Các HTX như: HTX DVNN Thọ Lâm; HTX DVNN Đông Phương Hồng; HTX DVNN Xuân Lai cũng đang tích cực đưa khoa học – kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản rau an toàn, dưa vàng, dưa lưới… Một số HTX còn kết nối được nhiều hợp đồng tiêu thụ, bao tiêu nông sản, lúa giống quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định tiêu thụ cho nông dân. Điển hình như HTX DVNN Xuân Minh (xã Xuân Minh) hiện nay đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm vùng lúa giống cho thành viên và người dân đạt từ 450 – 500 tấn mỗi năm, với doanh thu đạt 10,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,1 tỷ đồng.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, cho biết: Việc các HTX duy trì tốt các khâu dịch vụ, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và gia tăng thực hiện ký kết với doanh nghiệp là cơ hội tốt để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Tại huyện Cẩm Thủy, vai trò của các HTX trong phát triển kinh tế nông thôn cũng được chú trọng, nhất là với mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Đặc biệt, từ năm 2021, huyện Cẩm Thủy đã lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế và thông qua các HTX làm chủ thể để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điển hình như tại HTX sản xuất miến dong Đồi Ao (xã Cẩm Bình) đã liên kết với các hộ trồng dong riềng trong xã để chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, từ đó chủ động nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến. HTX cũng đã đầu tư nhà xưởng sản xuất, chế biến sản phẩm bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, nghiên cứu nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, xây dựng thành công miến dong Đồi Ao thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân vùng nguyên liệu.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.314 HTX trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, trong đó có 827 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo kết quả rà soát của Liên minh HTX tỉnh, hiện có hơn 500/827 HTX nông nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đạt doanh thu bình quân từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Trong đó, có hơn 1.200 lượt HTX tham gia vào một hoặc nhiều khâu trong các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Việc tham gia một hoặc nhiều khâu trong các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX và người nông dân. Rất nhiều HTX tiếp tục quan tâm phát triển thêm thành viên và huy động thêm vốn góp, đầu tư nâng cao năng lực, phát triển kinh doanh, làm tốt các khâu dịch vụ, như: xây dựng nhà lưới, hệ thống canh tác thủy canh, mua sắm máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, dịch vụ mạ khay – máy cấy, cải tạo nâng cấp lưới điện, trạm bơm nước, tu sửa và làm mới kênh mương nội đồng, mở rộng diện tích vườn ươm, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất rau an toàn, vệ sinh môi trường, cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất… Ngoài ra, hoạt động của các HTX trên một số lĩnh vực khác như: thương mại, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, tài chính – tín dụng, du lịch… cũng đang có nhiều thay đổi, thể hiện tư duy đổi mới và sự năng động của kinh tế tập thể, góp phần không nhỏ trong mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn hiện nay.
Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, doanh thu bình quân toàn tỉnh của 1 HTX đạt 6,5 tỷ đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân của thành viên trong HTX đạt 44 triệu đồng/năm và lợi nhuận bình quân của HTX đạt 238 triệu đồng/năm, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của các HTX trong phát triển kinh tế nông thôn, Liên minh HTX tỉnh đang phối hợp với các ngành, các cơ quan xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nhân rộng các mô hình cây ăn quả chất lượng cao, rau sạch, dịch vụ du lịch cộng đồng và tín dụng. Đơn vị sẽ tích cực tuyên truyền để các tầng lớp Nhân dân hiểu và nắm vững được ý nghĩa, mục đích, vị trí, vai trò và tính tất yếu của kinh tế tập thể, từ đó thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Phối hợp với các sở, ngành, tham mưu cho tỉnh tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách mới về hỗ trợ kinh tế tập thể, giúp các HTX có điều kiện phát triển vươn lên.
Bài và ảnh: Chi Phạm