Báo cáo đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 và công tác triển khai các luật, nghị quyết, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết giữa việc xây dựng và triển khai thực hiện một số luật, nghị quyết vẫn còn khoảng cách.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thông tin: Một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay các bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Với các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, thì đối với 6 luật có hiệu lực từ ngày 1-1 và 1-7-2024 đều chưa có kế hoạch triển khai, trong khi đây là nội dung rất cần thiết để dự kiến công việc phải làm, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả luật ngay từ thời điểm có hiệu lực.
Cũng theo người đứng đầu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đến ngày 23-8-2023 còn 11/50 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 chưa được ban hành; một số văn bản chậm từ 8 đến 18 tháng so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực. Trong 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành, chỉ có 9 văn bản được ban hành đúng thời hạn.
Qua hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết lần đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cách đây 2 ngày đã cho chúng ta cái nhìn rõ nét hơn trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như những bất cập đang gặp phải. Có những bất cập do thay đổi từ thực tế cuộc sống, có bất cập phát sinh ngay trong quá trình xây dựng luật nhưng không kịp thời sửa đổi, khắc phục dẫn đến việc khó triển khai… Tuy nhiên, qua giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cho thấy có cả những nguyên nhân chủ quan tác động vào quá trình này. Ngoài một số người đứng đầu bộ, ngành, địa phương chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách, là một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, không dám làm, dẫn đến chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết.
Những bất cập dù là lý do nào chăng nữa cũng làm cản trở đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực, đời sống xã hội, “đào sâu” thêm khoảng cách giữa việc xây dựng, ban hành và thi hành pháp luật. Để hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, đảm bảo các quy định của pháp luật đi nhanh và phát huy trong cuộc sống, đòi hỏi phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Yêu cầu này đã được nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, càng thêm đòi hỏi trách nhiệm thực hiện nghiêm túc của những cơ quan chức năng, cán bộ được giao trách nhiệm, nhằm đảm bảo “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuệ Minh