Sau thời gian dài tăng “phi mã”, từ tháng 5-2023 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã có 4 lần điều chỉnh giảm giá, là tín hiệu vui đối với ngành nông nghiệp nói chung, người chăn nuôi nói riêng, tạo động lực để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kỳ vọng khởi sắc ở thời điểm cuối năm.
Trang trại chăn nuôi lợn tại xã Thành Long (Thạch Thành) bắt đầu khôi phục sản xuất sau thời gian giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Thức ăn chăn nuôi là một trong những mặt hàng liên tục tăng giá, với khoảng 40% trong thời gian qua. Riêng năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng giá 6 lần, nhiều trang trại phải giảm đàn để tránh thua lỗ sâu, thậm chí có những trang trại buộc phải bỏ trống chuồng do không đủ vốn để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, thời gian qua giá mặt hàng này lại có xu hướng giảm trung bình từ 300 đồng đến 1.200 đồng/kg. Cụ thể, giá thức ăn chăn nuôi cho lợn giảm từ 300 đến 450 đồng/kg/lần giảm; thức ăn dành cho gà giảm khoảng 5.000 đồng/bao/lần giảm; cám cho vịt giảm khoảng 1.120 đồng/kg… Việc giảm giá thức ăn chăn nuôi ở thời điểm hiện tại là tín hiệu tích cực để phát triển chăn nuôi trong những tháng cuối năm.
Là một trong những trang trại chăn nuôi gia cầm lớn tại xã Nga Bạch (Nga Sơn), chị Đặng Thị Thanh cho biết: Để nuôi đàn gà khoảng 1.000 con từ lúc thả giống đến khi xuất chuồng mất khoảng 3 tháng. Trong thời gian này đàn gà sẽ ăn hết khoảng 250 bao cám loại 25 kg/bao. Sau 3 đợt giảm giá, cám gà đã giảm được 15.000 đồng/bao. Với giá gà hiện nay tuy chưa cao nhưng nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục giảm thì vẫn có thể duy trì sản xuất.
Hiện gia đình chị Thanh đã lên kế hoạch đầu tư tăng đàn, lựa chọn con giống khỏe, thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm, vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị cho lứa nuôi mới phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Thời gian qua, đối với “cơn sốt giá” thức ăn chăn nuôi, bên cạnh người chăn nuôi gà, những người nuôi lợn lao đao hơn bao giờ hết bởi nghịch lý đầu vào tăng cao, đầu ra giảm sâu khiến nhiều hộ tưởng chừng như phải “treo chuồng” đến hết năm. Ông Nguyễn Quốc Tuấn ở xã Thạch Đồng (Thạch Thành) cho biết: Với giá thức ăn chăn nuôi giảm và giá lợn hơi đang có xu hướng tăng dần là tín hiệu tốt để người dân mạnh dạn tái đàn, đầu tư chăm sóc con nuôi. Hiện nay, để nuôi một con lợn đạt trọng lượng 1,1 đến 1,2 tạ và xuất chuồng, tôi phải bỏ ra tổng chi phí khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, với giá lợn hơi và giá thức ăn cho lợn con giảm khoảng 300 đồng/kg thì tôi đã có lãi và có thể duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, trước những thông tin về dịch bệnh tả lợn châu Phi đang lây nhiễm tại các tỉnh, thành trên cả nước, tôi cũng chú trọng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt.
Trước việc giá thức ăn chăn nuôi có chiều hướng giảm, không chỉ người chăn nuôi phấn khởi mà các đại lý phân phối, các hộ kinh doanh mặt hàng này cũng vui khi giá cám giảm người dân tái đàn, tăng đàn nhiều hơn, lượng hàng bán cũng tăng hơn trước…
Dự báo, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tiếp tục có xu hướng giảm từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành trên cả nước, do đó người chăn nuôi trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, cân nhắc thời điểm tái đàn, số lượng đàn phù hợp để tránh hiện tượng dư thừa nguồn cung. Đồng thời, chú trọng thực hiện liên kết với cơ sở chăn nuôi có uy tín, các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thương lái.
Các địa phương cần thực hiện rà soát tổng đàn, tránh tình trạng tăng đàn ồ ạt, không theo kế hoạch. Bên cạnh đó, người dân vẫn cần sử dụng song song các loại cám gạo, ngô, sắn… bảo quản rơm, ủ rơm, ủ xanh các loại cây làm thức ăn cho gia súc để tận dụng hết các phụ phẩm nông sản tại chỗ, giảm tỷ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp.
Bài và ảnh: Lê Ngọc