Thanh Hóa có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Trong đó, dịch vụ hậu cần nghề cá được xem là “bước đệm” quan trọng giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Thương lái thu mua hải sản ngay khi tàu cập bến tại Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn).
Với 102 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.000km2, toàn tỉnh có hơn 6.010 tàu thuyền tham gia khai thác hải sản với sản lượng hằng năm đạt hàng trăm nghìn tấn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho hoạt động khai thác, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, thu mua hải sản, cung ứng nguyên, nhiên liệu, ngư lưới cụ… để hình thành được hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, quan tâm nâng cấp, nạo vét các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tạo thuận lợi cho các tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão an toàn. Đến nay, tại các cảng cá đã hình thành được hệ thống dịch vụ, vừa cung cấp vật tư, nhiên liệu vừa thu mua, trung chuyển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển dài ngày của ngư dân. Bên cạnh đó, nhờ hạ tầng nghề cá được đầu tư nên việc vận chuyển, thu mua các loại hải sản và vận chuyển đến các chợ tiêu thụ cũng trở nên dễ dàng, nhanh chóng.
Tại Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) 15 giờ hàng ngày nhiều thương lái, cơ sở chế biến đã chờ sẵn để thu mua nguyên liệu từ tàu cập bến và cung cấp nguyên, nhiên liệu cho các tàu chuẩn bị ra khơi. Ông Nguyễn Xuân Chính, chủ tàu đánh bắt xa bờ TH – 90436 – TS, cho biết: Những năm trước, khi tàu của chúng tôi muốn vươn khơi, đánh bắt xa bờ thì phải chờ nhiều ngày mới tìm được đơn vị nạp đủ nguyên liệu như xăng dầu, đá lạnh và thực phẩm. Ngược lại, khi khai thác xong, đưa sản phẩm vào bờ luôn đối mặt với việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ cá, tôm… Thế nhưng hiện nay, dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cảng Lạch Hới được đầu tư khá đồng bộ. Ngay sau khi cập cảng đã có thương lái trực tiếp đến bốc hàng đi tiêu thụ. Còn khi muốn vươn khơi tiếp, chúng tôi cũng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ cung cấp xăng dầu, nguyên liệu cần thiết với giá cả phải chăng.
Được biết, Cảng cá Lạch Hới được đầu tư xây dựng từ năm 2005, có khả năng tiếp nhận tàu từ 1.000 CV trở xuống, công suất bốc xếp đạt 400 tấn hải sản/ngày. Đây cũng là nơi có âu tránh trú bão với diện tích hơn 40 ha, sức chứa 700 phương tiện tàu thuyền. Để bảo đảm hoạt động ra vào của tàu cũng như thuận lợi cho bốc dỡ sản phẩm hải sản, tỉnh đã chú trọng đến công tác khơi thông luồng lạch. Cùng với đó, TP Sầm Sơn hình thành và kết nối được hệ thống dịch vụ hậu cần rộng khắp, với hơn 200 tàu dịch vụ thu mua và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, 35 cơ sở cung ứng đá lạnh, 28 cơ sở cung ứng xăng, dầu ven biển, 23 cơ sở cung ứng kinh doanh vật tư ngư lưới cụ, 16 xe đông lạnh chuyên dùng… thuận lợi cho tàu ra, vào bến tiêu thụ sản phẩm và cấp nhiên, nguyên liệu cho những chuyến ra khơi dài ngày.
Với lợi thế giáp biển, có Cảng cá Lạch Bạng và nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia hoạt động chế biến thủy sản, ngư dân thị xã Nghi Sơn đã đầu tư phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng thị xã Nghi Sơn, hiện trên địa bàn có 1.965 tàu cá khai thác và 78 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, tập trung ở 2 phường Hải Bình (70 tàu), Hải Thanh (8 tàu). Đội tàu này, ngoài làm nhiệm vụ thu mua hàng trăm nghìn tấn hải sản trên biển mỗi năm còn tham gia cung ứng nhiên liệu, vật dụng và các nhu yếu phẩm cho các tàu khai thác xa bờ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động khai thác hải sản, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.
Thực tế cho thấy, so với trước đây, dịch vụ hậu cần nghề cá ở các địa phương ven biển đã có những bước phát triển nhất định. Thế nhưng, để nâng cao giá trị khai thác nguồn lợi hải sản hơn nữa thì công tác hậu cần nghề cá vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Một trong những điểm nghẽn là tình trạng bồi lắng, xuống cấp của các cảng cá, bến cá ở các địa phương ven biển cùng với hệ thống luồng, lạch ra vào cảng bị bồi lắng nhưng chưa được quan tâm đầu tư khiến nhiều tàu cá có công suất lớn gặp khó khăn khi ra vào cảng bốc dỡ hải sản.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Cường cho biết: Để thúc đẩy phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong đó, tỉnh đang cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để nâng cấp, mở rộng các cảng cá trọng điểm như: Cảng Hòa Lộc, Hoằng Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng. Cùng với đó, việc xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão an toàn kết hợp với cảng cá và dịch vụ hậu cần sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao giá trị sản phẩm sau mỗi chuyến đi và thu nhập cho bà con ngư dân.
Bài và ảnh: Thanh Hòa