Không chỉ đam mê đọc sách, các học sinh còn mong muốn lan tỏa đam mê của mình ra cộng đồng bằng những câu chuyện truyền cảm hứng và ý tưởng đặc sắc.
Em Trần Bảo Tâm cùng cô giáo đọc sách tại thư viện Trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa).
Đến với cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2023”, em Trần Bảo Tâm, học sinh lớp 4A2 Trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa) đã lựa chọn chia sẻ những điều hay từ cuốn sách “Đắc Nhân Tâm”. Từ những điều cảm nhận được trong cuốn sách, Bảo Tâm muốn lan tỏa thông điệp: Một cuốn sách đến đúng thời điểm có thể làm cuộc đời bạn rẽ sang một hướng đi mới.
Bảo Tâm đam mê đọc sách từ nhỏ, do đó phần thưởng hay quà tặng của Tâm thường là những cuốn sách. Phát hiện niềm đam mê đọc sách của Bảo Tâm, bố mẹ đã định hướng cho em đọc những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi. Đam mê đọc sách nên Bảo Tâm cũng sớm định hình cho mình những thể loại sách yêu thích như sách văn học, tiểu thuyết, sách nói về cách ứng xử, giao tiếp.
Bảo Tâm chia sẻ: “Cuốn sách “Đắc Nhân Tâm” có trong giá sách ở gia đình từ rất lâu rồi và bố mẹ em thường hay đọc nó. Trước đây, cuốn sách này không hấp dẫn em, nhưng trong một lần nghe bố mẹ nói chuyện đây là cuốn sách hay nhất, có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại và bán chạy nhất thế giới. Đọc cuốn sách, em đã thấy mình trong những câu chuyện, tình huống được nhắc đến và em chợt nhận ra những lỗi lầm của mình”.
Với Bảo Tâm, cuốn sách “Đắc Nhân Tâm” không phải dạy ta những mánh khóe để ứng xử với nhau một cách vô cảm, miễn cưỡng, mà hướng chúng ta đến sự chân thành, thật lòng xuất phát từ trái tim. Những câu chuyện trong cuốn sách đã giúp em nhận ra lỗi lầm của mình với bố mẹ mà lâu nay em nghĩ nó là chuyện nhỏ. Trong một lần đi chơi về muộn bị bố mẹ mắng, Tâm đã tức giận, cãi lại, trách móc bố mẹ. Sau khi đọc cuốn sách, Tâm nhận ra lúc đó bố mẹ rất lo lắng cho mình và cách suy nghĩ của mình thật ích kỷ. Cuốn sách không chỉ giúp Tâm nhận ra lỗi lầm, cách cư xử chưa phù hợp của bản thân, mà còn giúp Tâm rút ra cách ứng xử, đó là hãy luôn mỉn cười để tạo sự gần gũi. Bởi gần gũi và quan tâm thì mới thấu hiểu được người khác, mới tạo được dấu ấn trong lòng người khác, thuyết phục được người khác mà không cần tranh cãi, hay ép buộc họ nghe theo mình.
Cô Hồ Thị Phương Lan, giáo viên chủ nhiệm của em cho biết: “Bảo Tâm là một học sinh ngoan. Cô bé rất nhẹ nhàng, hòa đồng, thân thiện với mọi người. Tâm có chữ viết rất đẹp và có thiên hướng phát triển môn Ngữ văn. Những bài học em cảm nhận và đúc rút từ cuốn sách rất tinh tế, cùng với đó là bài thi được trình bày với nét chữ chuẩn, hình thức thể hiện độc đáo, sinh động”.
Những cảm nhận, liên hệ rất thật từ cuộc sống và bài học trong sách của Tâm đã tạo nên sức lan tỏa và truyền đi thông điệp khiến mọi người có thể hiểu thêm về giá trị của sách. Với điều đặc biệt ấy, bài dự thi của Tâm đã đoạt giải nhất trong cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2023”.
Em Phan Minh Ngọc vẽ tranh tại thư viện xanh Trường Tiểu học Ba Đình.
Với năng khiếu vẽ tranh, sáng tác truyện, em Phan Minh Ngọc, học sinh lớp 4A6, Trường Tiểu học Ba Đình (TP Thanh Hóa) đã thể hiện xuất sắc niềm đam mê đọc sách cũng như lan tỏa việc đọc sách qua bài thi của mình tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Bài thi của Ngọc kể về câu chuyện tại một bệnh viện nhi. Các em nhỏ điều trị bệnh ngoài làm bạn với dây truyền, thuốc men thì còn là bạn với điện thoại. Bởi bố mẹ của các em nhỏ ấy cũng đang bận rộn xem điện thoại. Tại bệnh viện có một cô y tá thích đọc sách, mỗi ngày cô đều chia sẻ những cuốn sách hay cho các em nhỏ. Lâu dần nhiều bạn nhỏ đã đọc sách thay vì xem điện thoại. Và điều kỳ điệu là những bạn ham đọc sách thì tinh thần vui vẻ hơn, nhanh khỏi bệnh hơn. Sự thay đổi bất ngờ ấy đã khiến cho các em nhỏ khác đọc sách nhiều hơn và bố mẹ cũng bỏ điện thoại xuống đọc sách cùng con.
Câu chuyện Ngọc chia sẻ tưởng chừng rất xa xôi nhưng thực tế nó luôn hiện hữu ở mọi nơi. Với lối thể hiện gần gũi, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị bằng tiếng Việt và tiếng Anh cùng những hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh, bài thi của Ngọc đã giành được giải nhất và giải chuyên đề. Đặc biệt, ở cuối tác phẩm của mình, Ngọc vẽ một trái tim – thể hiện tình yêu của mình đối với sách và mong muốn lan tỏa sách đến với mọi người. Cách thể hiện độc đáo ấy của Ngọc đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc và nhắc nhở mọi người về tình cảm đối với sách.
Em Minh Ngọc chia sẻ: “Bố mẹ không cho em xem điện thoại, ti vi nên em chỉ đọc sách. Hè thì bố mẹ cho lên thư viện. Điều này đã tạo cơ hội cho em làm bạn với sách. Đọc sách, truyện tranh nhiều đã giúp em có nhiều chất liệu để sáng tác được truyện cho các bạn, các em đọc. Em đã sáng tác được một 1 truyện 12 tập và rất nhiều truyện ngắn”.
Nhận xét về cô học trò nhỏ, cô giáo Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Minh Ngọc thể hiện rõ năng khiếu vẽ tranh và sáng tác truyện bằng tranh. Tác phẩm dự thi của em được thể hiện đơn giản nhưng rất ấn tượng. Cốt truyện gần gũi nhưng ý nghĩa và có sức lan tỏa lớn. Ngọc sáng tác rất nhiều truyện. Dựa trên những mẫu hình, sự việc thực tế và tưởng tượng, Ngọc đã sáng tác nhiều tập truyện hay độc đáo về lứa tuổi được các bạn trong lớp truyền tay nhau đọc. Từ những câu chuyện Ngọc sáng tác tặng các bạn, nhiều bạn đã thích đọc sách, đọc truyện. Niềm đam mê sách, sáng tác truyện của Ngọc đã lan tỏa cho nhiều bạn học trong lớp”.
Tình yêu sách, đam mê đọc sách của những em học sinh rất đơn giản, ngây thơ như chính lứa tuổi của các em nhưng nó lại có sức ảnh hưởng không nhỏ. Tình yêu sách ấy không chỉ cho các em hành tranh vững bước trong cuộc đời mà còn giao cho các em trọng trách “Đại sứ văn hóa đọc” – những “mần non” khơi nguồn, lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Bài và ảnh: Thùy Linh