Nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các loại cây trồng, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực phát triển vùng thâm canh các loại cây trồng tập trung, mang lại năng suất, sản lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân.
Vùng trồng dứa tập trung tại xã Hà Long (Hà Trung). Ảnh: Hải Đăng
Để hình thành vùng cây trồng thâm canh, huyện Thạch Thành đã chủ động quy hoạch vùng cây ăn quả quy mô lớn để thu hút người dân, HTX đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đến nay, huyện Thạch Thành đã phát triển được 1.100 ha cây ăn quả tập trung, cho sản lượng 22.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 500 ha cam, bưởi với sản lượng bình quân hằng năm hơn 10.000 tấn, doanh thu 500 – 600 triệu đồng/ha/năm. Diện tích ổi, mít, thanh long… với diện tích tập trung khoảng 600 ha, sản lượng hơn 12.000 tấn/năm. Nhiều mô hình thâm canh cây trồng trên địa bàn huyện Thạch Thành được hình thành và cho hiệu quả kinh tế cao, như: trồng cam, bưởi ứng dụng hệ thống tưới và thâm canh tại xã Thành Công và thị trấn Vân Du; trồng thanh long tại các xã Thành Tiến, Thành Tâm; trồng mít Thái tại xã Thành Tâm; mô hình trồng ổi lê Đài Loan tại xã Thành Tâm…
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành Hoàng Minh Sơn, cho biết: Để phát triển vùng thâm canh cây trồng tập trung, ngành nông nghiệp tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng sản xuất cây trồng chuyên canh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm trồng trọt.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh đã phát triển các vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao 158.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm; các vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung, với diện tích gần 13.000 ha/năm, sản lượng đạt khoảng 170.754 tấn/năm; vùng ngô thâm canh 20.000 ha, năng suất 68,4 tạ/ha/vụ; vùng mía thâm canh 12.000 ha, năng suất 66,52 tấn/ha, sản lượng 906.954 tấn; hoa – cây cảnh 325 ha; cây ăn quả tập trung 12.000 ha; cây thức ăn chăn nuôi 17.000 ha… Ngoài ra, tại các huyện Ngọc Lặc, Bá Thước, Thạch Thành, Vĩnh Lộc và Hà Trung phát triển diện tích lúa nếp hạt cau, với diện tích khoảng 1.500 ha; nếp cái hoa vàng tại huyện Hà Trung 220 ha; nếp Cay Nọi tại huyện Mường Lát 700 ha; mô hình rau má gắn với chế biến 20 ha tại các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Như Thanh, thị xã Nghi Sơn. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao được nhân rộng, như: mô hình lúa – cá 35 ha tại huyện Hà Trung; mô hình lúa – rươi tại các huyện Nông Cống, Quảng Xương 8 ha; mô hình lúa hữu cơ tại các huyện Yên Định, Nông Cống 20 ha; mô hình cam hữu cơ 45 ha tại huyện Thạch Thành… Phần lớn diện tích cây trồng thâm canh được áp dụng đúng các quy trình, kỹ thuật nên sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15 – 20% trở lên so với canh tác truyền thống. Nhờ phát triển các vùng cây trồng thâm canh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX mở rộng các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm các loại cây trồng với tổng diện tích liên kết hơn 80.000 ha. Nhiều địa phương còn xây dựng các cánh đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp thông qua ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, HTX để sản xuất các loại cây trồng tập trung.
Vùng trồng cam tập trung tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành) cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường. Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi liên kết, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, ngành nông nghiệp ưu tiên tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: gạo, rau, quả, mía đường, cây ngô… Khuyến khích HTX, người dân thực hiện thâm canh cây trồng gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung được chứng nhận an toàn thực phẩm. Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, sử dụng giống mới, năng suất và chất lượng cao, thực hiện các giải pháp quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Bài và ảnh: Hải Đăng