Ngành ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong nền kinh tế. Dịch vụ của các ngân hàng đã và đang đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dân về dịch vụ tài chính.
Người dân thanh toán bằng mã QR code trong cửa hàng kinh doanh tại chợ Cột Đỏ, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn.
Ngân hàng số Agribank Digital Banking đầu tiên tại Thanh Hóa được khai trương đưa vào hoạt động gần 1 năm nay đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại. Theo đó, Agribank Digital là mô hình cung cấp các dịch vụ ngân hàng tự động 24/7, nhanh chóng, an toàn và bảo mật. Người dân chưa có tài khoản, chỉ cần mang theo căn cước công dân, thực hiện các thao tác đơn giản là có thể nhanh chóng mở tài khoản tại ngân hàng số của Agribank. Khi đã có tài khoản, khách hàng có thể thực hiện tất cả các dịch vụ ngân hàng tại quầy giao dịch Agribank Digital như định danh, đăng ký thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay), đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, vay vốn trực tuyến, thực hiện các giao dịch tài chính bằng sinh trắc học như gửi tiền vào tài khoản, thanh toán, chuyển khoản, chuyển tiền 24/7, gửi tiết kiệm… Mọi giao dịch đều được tự động hóa với tốc độ xử lý nhanh chóng, độ chính xác cao, như khách hàng có mặt tại quầy giao dịch.
Được biết, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã liên tục đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động. Đến hết tháng 8-2023 trên địa bàn tỉnh có 338 máy ATM của 33 chi nhánh NHTM đang hoạt động; 1.195 máy POS và hơn 2.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. Mạng lưới ATM và POS được lắp đặt theo hướng mở rộng đối tượng phục vụ và được phân bổ khá hợp lý. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã và đang đẩy mạnh triển khai các sản phẩm dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như: thanh toán qua QRCode, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử…
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa thường xuyên chỉ đạo các NHTM chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng; tăng cường giám sát hệ thống ATM trên địa bàn theo các quy định của NHNN Việt Nam. Do vậy, chất lượng dịch vụ hệ thống ATM ngày càng được nâng lên rõ rệt, hoạt động thông suốt, không có sự cố nổi cộm xảy ra; những thắc mắc, khiếu nại được xử lý nhanh nhất, tạo được niềm tin cho khách hàng.
Hiện nay, các ngân hàng đã tích cực cho ra các sản phẩm chuyển đổi số hiện đại phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Điển hình như dịch vụ VietinBank eFAST của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giao dịch tài chính và quản lý tài khoản mọi lúc, mọi nơi thông qua kết nối Internet. BIDV iBank của Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam dành cho các khách hàng tổ chức trên cả 2 kênh Internet và Mobile, sản phẩm cung cấp hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng trực tuyến đa dạng, đáp ứng các nhu cầu cho khách hàng tổ chức với các dịch vụ chính như: dịch vụ tài khoản, dịch vụ thanh toán (chuyển tiền trong nước, chuyển tiền quốc tế, thanh toán qua cổng dịch vụ công quốc gia…), các dịch vụ tài trợ thương mại và ngoại hối, các dịch vụ quản lý khoản phải thu, phải trả… Techcombank Business Mobile của Ngân hàng Thương mại Kỹ thương Việt Nam giúp khách hàng doanh nghiệp chuyển tiền, thanh toán các dịch vụ (điện, nước, thuế, hải quan…), chuyển tiền theo lô, trả lương và quản lý tài chính trên đa nền tảng và bảo mật nhiều loại giao dịch khác nhau…
Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số, các tổ chức tín dụng cũng gặp không ít khó khăn như hạ tầng, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc liên thông, kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu. Chuyển đổi số nhanh, mạnh cũng gắn liền với nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn bảo mật thông tin cao khi tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số còn thiếu hụt, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin…
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, thời gian tới ngành ngân hàng Thanh Hóa tiếp tục bám sát các mục tiêu kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lại lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số. Tập trung tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả cùng tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng nói riêng và của tỉnh nói chung, góp phần xây dựng nền kinh tế số.
Bài và ảnh: Khánh Phương