Biển Thanh Hóa giàu tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội. Bờ biển Thanh Hóa dài 102km trải suốt 6 huyện, thị xã, thành phố: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương và Nghi Sơn. Từ đất liền có những dãy núi kéo dài ra tận biển. Ngoài biển có các đảo nổi, đảo chìm như Hòn Nẹ, Hòn Mê với “thập bát mã sơn” gồm 18 đảo lớn nhỏ và bán đảo Nghi Sơn. Từ đất liền có 5 cửa lạch đổ ra biển: Lạch Sung, Lạch Trường (Linh Trường), Lạch Hới (Lạch Trào), Lạch Ghép, Lạch Bạng (Cửa Tấn), mỗi cửa lạch có đặc điểm riêng như: “Lạch Ghép khó vào, Lạch Trào khó ra”. Ở các cửa lạch, nơi sông đổ ra gặp biển là nơi tụ hợp đông dân cư làm nghề đánh cá, chế biến hải sản và buôn bán.
Rước kiệu tại Di tích đền thờ Mai An Tiêm, xã Nga Phú (Nga Sơn).
Biển từ lâu đời đã gắn bó với người Việt cổ xứ Thanh. Sống trong môi trường biển, trải qua nhiều thế hệ, cư dân biển tỉnh Thanh đã sáng tạo và lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị và đặc biệt là hệ thống các di tích và kiến trúc nghệ thuật phụng thờ những người có công với dân với nước và tín ngưỡng thờ các vị thần biển hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn biển khơi.
Các di tích phụng thờ những nhân vật lịch sử và các vị linh thần phổ biến ở các làng, xã ven biển tỉnh Thanh. Các di tích tôn thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với dân với nước được cư dân biển xứ Thanh ngưỡng vọng, tri ân và trở thành Thành hoàng của làng biển như di tích thờ Mai An Tiêm (Nga Sơn) – người chinh phục đảo xa và tìm ra giống dưa lạ; Tô Hiến Thành (các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn) – vị quan chính trực, thanh liêm, có công trấn giữ vùng cửa biển quốc gia Đại Việt; Quang Trung (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) – người anh hùng áo vải cứu nước, cứu dân, đánh đuổi quân Thanh xâm lược; Đông Hải đại vương – Nguyễn Phục, vị thần biển giúp ngư dân đi biển bình an, được nhiều tôm cá, đền thờ được dựng ở xã Quảng Nham (Quảng Xương), phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) và các vị linh thần như Độc Cước – vị thần bảo vệ dân chài trước sự tàn ác của quỷ biển với nhiều nơi thờ như các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn… Các di tích thờ Mẫu có từ lâu đời gắn với tín ngưỡng thờ nước của cư dân biển. Thờ Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh, thờ Tứ Vị Thánh Nương… ở xã Nga Bạch (Nga Sơn), các xã Ngư Lộc, Hải Lộc (Hậu Lộc), xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), xã Quảng Nham (Quảng Xương), các phường Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn)… Có di tích phối thờ nhiều mẫu, tiêu biểu như các đền thờ mẫu ở: Cửa Sung (Nga Sơn), xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), xã Quảng Nham (Quảng Xương), phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn),… phù trợ cho ngư dân gặp nhiều thuận lợi, cuộc sống đủ đầy.
Những người anh hùng dân tộc và các vị thần được thờ ở các di tích trên địa bàn tỉnh Thanh phổ biến là phúc thần được Nhân dân tôn kính, biết ơn; họ là những người anh hùng cứu dân, cứu nước, là những linh thần phù hộ, giúp đỡ cho con người trong những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đối với cư dân chài lưới đi khơi, đi lộng đối mặt với bão tố bất ngờ, giúp họ “đi khơi gặp đống, đi lộng gặp tía” cập bến bình an, thuyền đầy cá nặng, cuộc sống no đủ.
Tại các di tích, cùng với hệ thống các công trình kiến trúc đền, nghè, phủ, miếu,… ngoài thể hiện sự tài khéo của các nghệ nhân dân gian đã nhiệt tình, tâm huyết gửi gắm tư duy và thẩm mỹ qua từng nét chạm khắc, làm nên những công trình thờ tự có quy mô và độ tinh xảo cao như đền thờ Tô Hiến Thành, Hoàng Minh Tự, Độc Cước, Đức Thánh cả,… thì hằng năm đều diễn ra các lễ hội tôn vinh và phụng thờ các vị anh hùng dân tộc, các linh thần với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Tiêu biểu như lễ hội Quang Trung, tôn vinh vị hoàng đế lập phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn, làm nên chiến thắng Đống Đa lịch sử; lễ hội tưởng nhớ Tô Hiến Thành – văn võ toàn tài, bảo vệ vùng cửa biển bình an…; lễ hội cầu Ngư ở xã Nga Bạch (Nga Sơn), xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), xã Quảng Nham (Quảng Xương), các phường Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn),… cầu cho mưa thuận gió hòa, biển nhiều tôm cá; lễ hội tưởng nhớ Bà Triều – Bà Tổ nghề dệt xăm súc ở làng Triều Dương, phường Quảng Tiến (Sầm Sơn); lễ hội nghênh rước, tôn vinh các vị thần linh tổng Lương Niệm gắn với lệ tục thi bánh chưng, bánh dày dâng thần Độc Cước và các vị thần linh vùng biển; lễ hội Tứ Vị Thánh Nương ở xã Ngư Lộc, khu vực Lạch Sung, Lạch Ghép, Lạch Trào, Lạch Bạng,… tạ ơn các vị thần linh chở che và giúp họ đánh bắt được nhiều tôm cá, cầu sóng yên biển lặng, bảo hộ cho dân chài mỗi khi ra khơi vào lộng, giúp đỡ những thương thuyền thuận buồm, xuôi gió, buôn bán ngược xuôi.
Di tích và tín ngưỡng thờ cúng những người anh hùng dân tộc và các vị thần linh của cư dân biển đảo tỉnh Thanh trải thời gian, kết tinh nhiều giá trị.
Về giá trị lịch sử, qua những thần tích, chuyện kể, thông qua sắc phong, đại tự, bia ký,… ghi danh về công lao cứu nước, cứu dân, trừ bạo ngược của nhân vật được phụng thờ như anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, vị quan chính trực, công tâm Tô Hiến Thành; tri ân công lao của thần Độc Cước đuổi quỷ biển, chinh phục biển khơi; Kim Cương tướng quân giúp vua dẹp giặc, phù trợ những người làm nghề chài lưới; Bà Triều dạy dân làm nghề dệt ngư cụ đánh cá;… những tên đất, tên làng, vùng biển đảo: Hòn Bò, đảo Mê, đảo Nẹ, bán đảo Nghi Sơn, Vũng Ngọc;… còn là tấm gương phản chiếu lịch sử hình thành vùng đất, vùng biển, tộc người, phương thức sống và đấu tranh, vật lộn với biển cả khắc nghiệt để trụ vững và tồn tại của những ngư dân Thanh Hóa trong suốt chiều dài lịch sử gắn liền với công cuộc dựng nước và bảo vệ non nước, biển trời thân yêu của Tổ quốc.
Di tích và sự tri ân những nhân vật lịch sử và các vị linh thần của cư dân biển đảo xứ Thanh có ý nhân văn sâu sắc và sự cố kết cộng đồng bền chặt. Mối dây liên kết bền chặt đó thể hiện trong đời sống, trong những chuyến khơi xa và nhất là liên kết bền chặt mỗi khi gặp sóng to, bão lớn, hoạn nạn trên biển cũng như trong đất liền; quan hệ giữa chủ thuyền với ‘‘trai bạn thuyền’’, giữa chủ đò và các trai đò. Mỗi khi thuyền, bè, mảng mắc cạn thì mọi người hợp sức, có thần nhân phù trợ để đưa thuyền bè vượt qua sóng ngầm, vực xoáy về bến an toàn. Mối dây liên kết ấy còn biểu hiện trong căng buồm ra khơi, kéo lưới đánh bắt cá,… cần phải có sự hợp lực của mọi người, là sự cộng sức của các tay chèo trong các cuộc bơi chải, đua thuyền trong những kỳ tế lễ, hội hè để tưởng nhớ và tri ân các vị thần biển… Từ lời cẩn tấu, nghênh thần trong mỗi lần tế lễ, câu xướng, lời xô, một người xướng, nhiều người đáp,… nhân lên sức mạnh đoàn kết muôn người và cả cộng đồng để vượt ngàn gian khó, cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Di tích và lễ hội tôn vinh những người anh hùng dân tộc và các vị thần biển chính là hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tri ân công đức đối với tiền nhân có công bảo vệ, dựng xây đất nước, quê hương đã được người dân các làng biển “thiêng” hóa. Di tích và lễ hội gắn với các vị nhân thần, thần biển kết tinh thành những giá trị đạo đức, nhân văn cao cả, biểu hiện trong cách sống, thế ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với biển khơi.
Giá trị của di tích và tín ngưỡng của ngư dân Thanh Hóa còn thể hiện trong cuộc sống, sinh hoạt và các nghi thức biểu đạt mang tính nghệ thuật như: diễn xướng, trò chơi,… những hình thức tế lễ, hát thờ thần, hát ca trong hội hè,… là môi trường thuận lợi để nảy sinh, sáng tạo và trao truyền những giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc. Hát thờ thần, hát kết hợp với múa,… là hình thức hát nghi lễ thường gặp trong mỗi dịp tế lễ. Trong di tích thờ các vị nhân thần và linh thần còn tổ chức hát tuồng, hò biển và hò sông nước, hát đối đáp nam nữ; các trò chơi tài khéo: đua thuyền, lắc thúng, đấu vật, đi cà kheo, câu mực, đánh tủm, đan lưới,… diễn ra sôi động, đó là một “sân khấu” có quy mô lớn, không gian rộng mở, mọi người đều tham gia sáng tạo, biểu diễn và hưởng thụ văn hóa, cùng nhân lên niềm vui cộng cảm, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, vừa có chức năng giải trí, giáo dục và thẩm mỹ góp phần xây dựng con người ngày càng hoàn thiện về thể chất và tâm hồn.
Di tích và tục thờ gắn với những người anh hùng dân tộc và các vị thần biển tỉnh Thanh thể hiện thế ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội, qua đó giúp con người giao tiếp, ứng xử với thế giới xung quanh theo hướng có lợi và nhân văn. Cư dân biển tự bao đời dấn thân trong môi trường sóng nước, họ coi “biển khơi là mẹ, cánh buồm là cha”. Họ nhận thức được nguồn lợi lớn lao từ biển mang lại cho cuộc sống của mỗi con người. Qua trải nghiệm, họ dần tích lũy được những kinh nghiệm quý trong môi trường sống. Họ quan sát các hiện tượng của tự nhiên để rồi tìm ra quy luật của biển trời, sông nước mà gắng công: Một tần hai tảo sớm hôm/ Con thuyền, tay lưới có ta có mình, để rồi có kết quả tràn đầy: Cơm đầy rá, cá đầy nồi – cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Di tích và tục thờ những người anh hùng dân tộc và các vị linh thần của ngư dân biển xứ Thanh trải qua thời gian đã được kết tinh thành giá trị, phản ánh tâm hồn, nghị lực và khí chất của mỗi con người nơi đầu sóng ngọn gió, trở thành hành trang, động lực giúp cho cư dân biển xứ Thanh vươn tới, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Để di tích và tục thờ những người anh hùng dân tộc và các vị thần biển tỉnh Thanh trở thành động lực phát triển du lịch, nhân lên sức mạnh để ngư dân bám biển làm giàu và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và những người dân biển thấy rõ tác dụng và giá trị của di tích, tín ngưỡng thờ các vị anh hùng dân tộc và thần biển để nhân lên niềm tự hào, giáo dục và quảng bá những giá trị đó đến đông đảo mọi người, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh, nghị lực và tới các giá trị chân – thiện – mỹ.
Nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp uỷ đảng chính quyền, của các ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức cho quần chúng Nhân dân thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của di sản văn hóa miền biển nói chung, di tích và tín ngưỡng phụng thờ những người có công với dân, với nước, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và phát triển du lịch.
Đầu tư kinh phí thoả đáng cho việc tu bổ, tôn tạo di tích; sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phổ biến và quảng bá các loại hình di sản văn hóa và tín ngưỡng đối với các di tích phụng thờ các vị anh hùng có công cứu nước, giúp dân và các vị thần biển. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong việc trùng tu di tích, đền, miếu, công trình thờ tự ở các làng xã vùng biển nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường
(TP Thanh Hóa)