Nằm ở thung lũng sâu trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thôn Kho Mường, xã Thành Sơn (Bá Thước) mang vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ với những thửa ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn người Thái nằm ven sườn núi, hang Dơi với nhiều nhũ đá lấp lánh huyền ảo. Nhờ cảnh quan thiên nhiên ban tặng, người dân trong bản Kho Mường đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Và cũng từ mô hình du lịch này đã giải quyết được việc làm cho một bộ phận người dân trong thôn.
Công an xã Thành Sơn thường xuyên nắm bắt hoạt động của tổ “Xe ôm du lịch tự quản về ANTT” thôn Kho Mường.
Chủ tịch UBND xã Thành Sơn Nguyễn Chí Công chở tôi đi trên con đường quanh co, một bên là vách núi, một bên là vực sâu tới đầu thôn Kho Mường. Vừa đi anh vừa cho biết: Đây là cung đường với cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng trước kia con đường này cũng khiến nhiều người phải “chùn bước” vì độ khó khăn, hiểm trở của nó. Nay thì khác rồi, con đường đã được Nhà nước đầu tư đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân và du khách đi lại; phía bên vực sâu cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống lan can tường rào phù hợp với cảnh quan thiên nhiên của núi rừng, lại bảo đảm an toàn cho người dân. Tuy nhiên, do con đường vào thôn nhỏ hẹp, lại có những dốc cao dựng đứng, ô tô không vào được nên người dân trong thôn đã tự phát chạy xe ôm để chở khách du lịch. Vì tự phát nên trước đây mạnh ai người ấy làm, dẫn đến tranh giành khách, gây mất an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Trước thực trạng trên, Công an xã Thành Sơn đã tham mưu cho ban chỉ đạo ANTT xã xây dựng và ra mắt mô hình “Xe ôm du lịch tự quản về ANTT”. Việc thành lập mô hình nhằm xây dựng loại hình dịch vụ “xe ôm” chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường du lịch, xây dựng hình ảnh văn minh hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người dân bản địa, đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương.
Để mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, xã Thành Sơn đã xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, quy định rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên trong mô hình cũng như nguyên tắc hoạt động và các chế độ, chính sách, kinh phí đảm bảo cho hoạt động của mô hình. Theo đó, mô hình được thành lập hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của UBND xã và hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ trực tiếp của công an xã, ban quản lý thôn về biện pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tháng 6 năm 2022, mô hình ra mắt và đi vào hoạt động có 90 thành viên tự nguyện đăng ký tham gia. Đến nay, số thành viên tham gia tăng lên 130 người; được chia làm 2 tổ ở 2 thôn phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đó là Pù Luông và Kho Mường.
Chủ tịch UBND xã Thành Sơn vừa dứt lời thì chúng tôi cũng đã đến đầu thôn Kho Mường; ấn tượng đầu tiên với đội xe ôm du lịch thôn Kho Mường đó là những chiếc xe máy được dựng thành hàng, các thành viên trong đội chung tay dựng một cái lán tạm ngay đầu bản để phục vụ du khách.
Thấy cán bộ xã vào thôn, một trong các thành viên trong đội lên tiếng “Hôm nay lại là ngày không đồng rồi lãnh đạo ơi”, “Sáng đến giờ mới có một số khách nước ngoài thôi”, “Chúng em chỉ mong ngày nào cũng là ngày nghỉ lễ…”. “Vào những ngày bình thường nếu không bỏ lượt chạy thì trung bình mỗi người cũng có thu nhập từ 160 – 480 ngàn đồng, tùy vào đoàn khách; còn vào những ngày nghỉ lễ dài từ 3 đến 4 ngày dịp 30-4, 2-9 hoặc Tết Dương lịch thì trung bình mỗi người cũng có thu nhập từ 800 đến 1,2 triệu đồng. Vì giá được thu theo niêm yết của UBND xã là 80 ngàn đồng/người (cả chiều đi và về) nên anh em thu nhập giống nhau” – em Ngân Văn Khiêm, thành viên trong đội “Xe ôm du lịch tự quản về ANTT” thôn Kho Mường cho hay.
Cũng theo em Khiêm “Từ ngày tham gia mô hình đến nay, anh em ai cũng có việc làm, có thêm thu nhập để chi phí sinh hoạt trong gia đình. Không còn tình trạng, “áo hồng của tôi”, “quần xanh của tôi”, “áo trắng của tôi”, ai khỏe, ai to miệng… thì giành được khách nữa…”.
Trao đổi thêm với chúng tôi về hoạt động của mô hình, em Bùi Văn Quán, trưởng thôn kiêm công an viên, tổ trưởng tổ “Xe ôm du lịch tự quản về ANTT” tại thôn Kho Mường, cho biết: Tổ có 82 thành viên, tất cả đều là người dân trong thôn Kho Mường. Để được kết nạp vào tổ, các thành viên phải ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật và trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Không hoạt động chở khách khi đã sử dụng rượu bia. Tuân thủ theo sự phân công, sắp xếp của các thành viên quản lý tổ. Không tự ý nâng giá, hạ giá cước vận chuyển khách du lịch đi các tuyến. Không tranh giành khách dẫn đến mất ANTT. Thực hiện văn hóa giao tiếp ứng xử lịch sự, tôn trọng khách hàng và ý thức xây dựng văn hóa du lịch. Tích cực tham gia giữ gìn ANTT trên địa bàn, vận động, giáo dục thành viên gia đình mình và Nhân dân trong thôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật…
Các thành viên trong tổ “Xe ôm du lịch tự quản về ANTT” thôn Kho Mường đã thống nhất chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 41 người được chở khách trong 2 tuần của tháng (nhóm 1 chở khách vào tuần thứ 1 và thứ 3; nhóm 2 chở khách vào tuần thứ 2, thứ 4). Trong mỗi nhóm lại bầu ra nhóm trưởng, nhóm phó điều hành việc chở khách theo cách xếp thứ tự từ 1 đến 41, đến lượt ai người ấy sẽ được chở khách. Ngày hôm nay ít khách chưa đến lượt mình thì ngày mai, ngày kia sẽ đến lượt. Ai vắng mặt thì bỏ lượt, chờ đọc lần sau mới được đi. Cứ thế, các thành viên trong nhóm ai cũng có thu nhập; không ai kèn cựa, tranh giành khách như trước kia nữa”.
“Ngoài việc chở khách, mỗi thành viên trong nhóm còn là một hướng dẫn viên du lịch. Vừa chở khách vào thôn, vừa giới thiệu những nét đặc sắc về văn hóa bản địa cho du khách biết. Nếu khách có nhu cầu ở lại, thì giới thiệu đến những hộ làm du lịch cộng đồng. Ở lại buổi tối, du khách sẽ được đốt lửa trại, uống rượu cần, giao lưu văn nghệ; nếu khách có nhu cầu, các thành viên sẽ chở đi thăm các bản lân cận khác trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; khám phá hệ sinh thái phong phú của rừng Pù Luông hay tham quan vườn cam, quýt đặc sản Kho Mường, tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày với người dân bản địa… Cũng chính từ sự quản lý trên, những năm qua tình hình ANTT trên địa bàn xã cơ bản ổn định, người dân có sự thay đổi về tư duy, nhận thức trong việc phục vụ khách du lịch. Không chỉ làm xe ôm mà mỗi người là một hướng dẫn viên du lịch của thôn, thậm chí đi cả xã, hoặc sang các xã lân cận. Họ đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ngày càng tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn xã” – Chủ tịch UBND xã Thành Sơn đánh giá.
Bài và ảnh: Ngân Hà