Dưới mái nhà sàn, bên bếp lửa hồng, hay bên dòng suối nước chảy êm đềm… chỉ cần là nơi tập trung đông người thì những câu hát xường giao duyên lại có dịp được ngân nga. Những làn điệu đằm thắm, mượt mà ấy tựa như thanh âm của núi rừng, bày tỏ tình cảm yêu thương của con người, ẩn chứa khát vọng sống của lứa đôi, không chỉ làm đắm say người nghe mà còn hé lộ nhiều điều thú vị về nét văn hóa bản địa đặc sắc của dân tộc Mường ở huyện Ngọc Lặc.
Đội hát xường giao duyên của đồng bào dân tộc Mường ở Ngọc Lặc.
Ngọc Lặc nơi được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc tuyệt vời, với những dãy núi chập chùng ẩn hiện trong mây trời, những con suối quanh năm tấu khúc nhạc róc rách, hòa cùng tiếng gió thổi qua đại ngàn du dương, tiếng chim rừng trầm bổng ngân xa như một bản giao hưởng bất tận. Điểm xuyết vào bức tranh kỳ vĩ ấy là những thảm xanh mướt của lúa, ngô trên những thửa ruộng nơi có đông đồng bào Mường sinh sống. Đến với các bản Mường, chúng ta không chỉ được thưởng thức điệu hát múa Pôồn Pôông say đắm lòng người; hay điệu hát sắc bùa rộn ràng, nhộn nhịp; mà còn được hòa mình trong nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên mượt mà, đằm thắm. Trải qua biết bao thế hệ những giá trị văn hóa truyền thống ấy vẫn được người Mường gìn giữ và ngày càng phát huy giá trị, góp phần dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc màu ở huyện Ngọc Lặc và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc ở xứ Thanh.
Lần theo những ruộng lúa, nương ngô chúng tôi tìm đến nhà Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Hương, thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn, người được coi là “cây đa, cây đề” của nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên. May mắn được tham gia một buổi sinh hoạt cùng câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường nơi đây. Dưới căn nhà sàn đặc trưng của đồng bào Mường, các thành viên xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu đang tập luyện các điệu múa, lời hát của đồng bào dân tộc Mường. Đón chúng tôi vào nhà, nghệ nhân Hương vui mừng cho hay: Xường giao duyên là một thể loại dân ca trữ tình, đặc sắc và tiêu biểu trong hệ thống dân ca của đồng bào Mường có từ lâu đời và được truyền từ đời này sang đời khác. Xường giao duyên được sử dụng trong hát đối đáp trai – gái để thổ lộ những tâm tình, những khát vọng yêu thương, những nỗi niềm riêng – chung trong cuộc sống tình cảm của mình và cộng đồng.
Thông thường, người ta thường chọn quanh nhà sàn, bếp lửa, hay bên con suối nước chảy êm đềm, hoặc bên ruộng lúa…, chỉ cần là nơi tập trung đông người thì đều có thể hát xường. Nét độc đáo trong điệu xường giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, không theo một khuôn mẫu có sẵn mà sáng tạo một cách linh hoạt, hài hòa. Nội dung lời hát xường rất phong phú có thể là ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản, đất nước, tình yêu lứa đôi…
Cuộc xường giao duyên diễn ra có bắt đầu và kết thức, kể cả nghi thức cũng như nội dung. Và chủ yếu là hát về đêm: Đêm nay anh lắng em xường/ Nghe chưa liền anh đừng cố chấp/ Em xường chưa liền khúc anh chớ có cười/ Hát “cho vui áng” hát “cho rạng đêm”. Trong những cuộc hát xường thường có đầy đủ trà, nước, trầu… mọi người dùng chung và đèn đuốc cũng được thắp sáng để tiện cho việc trai gái có thể nhìn mặt chọn bạn tìm hiểu lẫn nhau… (theo quy định khi hát nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong). Đến với áng xường còn có người già và trẻ nhỏ ngồi nghe thưởng thức. Hát xường diễn ra giữa trai gái trong làng hay từ mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng hát với nhau.
Xường giao duyên có hai phần: phần thứ nhất là xường Áng, với các bài như: xường chào, xường nài, xường xướng (chủ hát trước), xường chân đi (hay còn gọi là xường dậy nhà), xường qua cầu, xường chạm cầu, xường đổ cầu (qua hết cầu)… Ở phần thứ hai, là xường cài va lên bậc (gài hoa lên bậc) hay còn gọi xường bậc trên. Xường cài va lên bậc có 12 bậc (tượng trưng cho 12 tháng trong năm) gồm các bậc, như: cu nhu, cóp nhóp, từng khêênh (đứng gần), lêu lao, lêu lồm, dờm dớm…
Cuộc xường tối nay chưa hết, thì tối mai, tối hôm sau (sau bữa cơm tối) vẫn tiếp tục diễn ra vui vẻ, bình thường. Chủ, khách (bên nam, bên nữ) lại tập trung như những đêm trước đó. Cuộc xường càng kéo dài nhiều đêm thì tình cảm, tình yêu càng nồng thắm và sâu đậm.
Đối với cuộc xường giao duyên có những cuộc xường thành công, bên nam cũng giỏi, bên nữ cũng giỏi thì cuộc xường có hậu; nhưng cũng có cuộc xường không thành công với rất nhiều lý do: có thể một trong hai người không giỏi xường, hoặc không ưa thích cá tính của nhau (không hợp) nhau thì người muốn chia tay cuộc xường hát bài xường trẻ giàn (nửa đường đứt gáng) thì người kia có bài đón giàn (có thể hiểu rằng đón giàn như là sự nâng đỡ, đỡ lấy khi bị rơi từ trên giàn xuống). Nghĩa là cuộc xường tuy không thành nhưng cũng không làm ai phải tổn thương, xấu hổ vì kém xường, thua xường.
Đối với mỗi một người con của bản Mường, hát xường giao duyên dường như đã trở thành sinh hoạt văn hóa không thể thiếu, gắn bó như hơi thở cuộc sống thường ngày. Bởi vậy, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau xường giao duyên vẫn có sức sống bền bỉ trong lòng người Mường. Để rồi, cho đến nay vượt khỏi ranh giới của “ao làng” xường giao duyên đã được mang đi biểu diễn ở nhiều sự kiện quan trọng của địa phương, của tỉnh. Đặc biệt, xường giao duyên của người Mường thuộc các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn của huyện Ngọc Lặc đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Phạm Đình Cường, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Lặc chia sẻ: Xường giao duyên của người Mường ở Ngọc Lặc đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự và tự hào đối với bà con dân tộc Mường cũng như chính quyền địa phương. Song, cũng đặt ra cho người dân và địa phương trách nhiệm trong việc bảo tồn và ngày càng phát huy giá trị của xường giao duyên. Để làm tốt điều đó, thời gian qua huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân về giá trị to lớn của hát xường giao duyên; chú trọng đưa hát xường giao duyên vào các lễ hội; thành lập các câu lạc bộ xường, hội xường, kết hợp với phát triển du lịch. Tích cực tổ chức các cuộc giao lưu, hội thi hát xường nhằm góp phần quảng bá phát huy giá trị di sản văn hóa hát xường. Đồng thời tạo môi trường, đất diễn để các nghệ nhân, những người am hiểu về xường có cơ hội được biểu diễn, thực hành…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt