Kết cấu hạ tầng là nền tảng vật chất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và mỗi địa phương. Nhận thức được điều đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để kiến tạo “bộ khung” hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Nút giao Vạn Thiện (Nông Cống) là điểm kết nối với cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn. Ảnh: Trần Thanh
Giao thông “đi trước mở đường”
Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là khâu đột phá về phát triển hạ tầng được Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là “tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”. Bắt tay vào thực hiện, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư công. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối, liên kết vùng cao và hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), hạ tầng đô thị. Đây sẽ là “vốn mồi” có sức lan tỏa và để thu hút các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Xác định phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông phải luôn “đi trước một bước” và với tầm nhìn xa, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2021 đến đầu tháng 6-2023, tỉnh đã bố trí 5.696 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Toàn tỉnh đã nâng cấp, mở rộng quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến đường lớn, quan trọng với tổng chiều dài hơn 133 km, đạt 95,7% mục tiêu kế hoạch; đầu tư mới khoảng 154 km đường giao thông, đạt 49,7% mục tiêu kế hoạch; cứng hóa khoảng 350 km đường giao thông nông thôn.
Đi trước đón đầu, cuối tháng 10-2020, Dự án đầu tư xây dựng đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được khởi công trong không khí hân hoan, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Bởi theo quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có quy mô công suất đạt 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030; đạt 20 triệu hành khách/năm vào năm 2050. Điều đó đòi hỏi tỉnh Thanh Hóa phải cấp thiết ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với Cảng Hàng không Thọ Xuân. Tuyến đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân có chiều dài 34,7 km, điểm đầu tại ngã ba Nhồi thuộc phường An Hưng (TP Thanh Hóa), điểm cuối tại điểm giao giữa Quốc lộ 47 với đường vào Cảng Hàng không Thọ Xuân, thuộc thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân). Tuyến đường có tổng mức đầu tư là 3.567 tỷ đồng, đi qua địa phận TP Thanh Hóa, các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Như Thanh, Thọ Xuân và được chia thành 3 tiểu dự án.
Sau hơn 2 năm đồng lòng vượt nắng, thắng mưa của công nhân, kỹ sư các nhà thầu thi công cùng sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Thanh Hóa trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đoạn đường từ TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, thuộc tiểu dự án 1 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép thông xe đưa vào khai thác tạm. Tuyến đường được đưa vào sử dụng không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực, mà còn rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển và tạo thành trục cảnh quan đô thị cho việc phát triển mở rộng TP Thanh Hóa về phía Tây. Đây còn là trục giao thông “huyết mạch” tạo sự liên kết vùng, kết nối TP Thanh Hóa với KCN Lam Sơn – Sao Vàng, đô thị Lam Sơn – Sao Vàng, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Cùng với tuyến đường từ TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án phát triển hạ tầng giao thông, như: Đường giao thông nối TP Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn; tuyến đường Đông – Tây TP Thanh Hóa đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A. Đặc biệt, đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất non sông, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải tổ chức khánh thành và thông xe đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đoạn qua địa phận tỉnh.
Nhìn vào hàng loạt dự án trọng điểm về giao thông đang được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh, như: Đường giao thông từ KCN Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa; tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa; đường Vạn Thiện đi Bến En; đường nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa)… cho thấy tầm nhìn chiến lược của tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, một số dự án giao thông có tính kết nối cao đang được đề xuất đầu tư như đường Đông Xuân- TP Thanh Hóa; Đại lộ Nam Sông Mã (giai đoạn 2); đường vành đai 3 nhánh Đông. Chỉ ít năm nữa, những tuyến đường ấy sẽ tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh. Đó còn là tiền đề cho sự bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư của Thanh Hóa.
Với vị trí địa lý là tỉnh ven biển, Thanh Hóa “ôm” trong mình tiềm năng, lợi thế về phát triển hệ thống cảng biển. Quyết định 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã khẳng định hệ thống cảng biển Thanh Hóa được đánh giá cao về mặt vị trí địa lý cũng như dư địa phát triển. Trên địa bàn tỉnh có 2 cảng biển gồm: Cảng Lễ Môn và Cảng Nghi Sơn. Trong đó, Cảng biển Nghi Sơn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của tỉnh Thanh Hóa và vùng phụ cận. Theo quy hoạch chung, Cảng biển Nghi Sơn là cảng loại I và có định hướng để phát triển thành “cảng đặc biệt” trong tương lai. Là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế. Nhằm từng bước nâng tầm Cảng biển Nghi Sơn cùng với việc tập trung các nguồn lực đầu tư đồng bộ về hạ tầng, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương 21 cảng tổng hợp; 3 khu vực cảng chuyên dùng hiện đang hoạt động. Trong đó, dự án Khu bến Container 2 Cảng Nghi Sơn do Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn làm chủ đầu tư đã hoàn thành xong công tác bồi thường GPMB và được cho thuê đất thực hiện dự án theo quy định. Còn dự án Cảng Container Long Sơn do Công ty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư đã hoàn thành xong công tác bồi thường GPMB cho 55,35 ha phần diện tích đất bãi biển và mặt nước đối với khu bến container khoảng 57,8 ha. Đi liền với đó, Cảng Lễ Môn cũng được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 400 nghìn tấn/năm và có thể khai thác, tiếp nhận tàu đến 3.000 DWT giảm tải. Đồng thời, tỉnh đã hoàn thành việc bổ sung Cảng biển Lạch Sung vào quy hoạch cảng biển quốc gia.
Ưu tiên cho nhân tố thu hút đầu tư
Trong khoảng 10 năm gần đây, các KCN, cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh Thanh Hóa không ngừng phát triển. Cùng với Khu Kinh tế Nghi Sơn, các KCN đã và đang trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, “đòn bẩy” tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa.
Từ thực tiễn ấy, tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN, CCN. Giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn mà tỉnh bố trí cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn là 4.747 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Dự án đường Đông – Tây đoạn nối đường Bắc – Nam 1B với đường Bắc – Nam 3; Dự án đường Đông- Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn; Dự án cải dịch sông Tuần Cung, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2. Đồng thời nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Có thể kể đến đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu đường Đông – Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn, thuộc tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn; đường Đông – Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn; đường Đông – Tây 1 kéo dài; đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trục chính phía Tây; đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN – đô thị – dịch vụ Đồng Vàng; đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN – đô thị – dịch vụ VAS; Tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang; Nhà máy Xi măng Đại Dương 2; Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2. Đó còn là các dự án đã phê duyệt đầu tư như đường nối cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn; dự án đầu tư hệ thống thoát nước đường 513 – khu kinh tế.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hạ tầng các KCN ước đạt 1.913 ha, bằng 63,7% mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó các KCN trong Khu Kinh tế Nghi Sơn là 1.249 ha, đạt 62,4% mục tiêu kế hoạch; các KCN trên địa bàn tỉnh là 664 ha, đạt 66,4% mục tiêu kế hoạch. Nhờ đó, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư và tỷ lệ lấp đầy được nâng lên. Cụ thể, KCN Lễ Môn tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 94%; KCN Bỉm Sơn tỷ lệ lấp đầy là 66,15%; KCN Lam Sơn – Sao Vàng hiện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng nên tỷ lệ lấp đầy mới đạt 1,67%. Riêng các KCN Ngọc Lặc, Thạch Quảng, Bãi Trành, tỉnh đang tập trung thu hút các nhà đầu tư tiềm năng để triển khai thực hiện. Đối với các KCN trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, đến nay đã có 4 KCN thu hút được nhà đầu tư hạ tầng. Trong đó, KCN Luyện Kim tỷ lệ lấp đầy đạt 58,89%; KCN Đồng Vàng tỷ lệ lấp đầy là 6,67%; KCN số 1 tỷ lệ lấp đầy gần 76%.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng các CCN cũng đang tạo ra những “cú hích” trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một số vùng, miền trong tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, có 15 CCN được thành lập, với tổng diện tích hơn 755 ha. Qua đó nâng tổng số CCN trên địa bàn tỉnh lên 44 cụm, với tổng diện tích 1.642,96 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký trên 11.654 tỷ đồng. Trong số các CCN đã thành lập, có 2 CCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật; 3 CCN hoàn thành hạ tầng theo giai đoạn, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp; 7 CCN hoàn thành thủ tục GPMB, đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 5 CCN hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai công tác bồi thường GPMB; 27 CCN đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Trong giai đoạn 2021-2023, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã huy động được nhiều nguồn lực từ khối tư nhân theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.
Trần Thanh
Bài 2: Nhận diện thách thức.