Theo Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, đến cuối tháng 8-2023, Thanh Hóa có 22 sản phẩm OCOP tìm được thị trường xuất khẩu. Đây là niềm vui, cho thấy nông sản làng ta đã vượt qua được hàng rào kiểm định gắt gao để đến trời Âu, Bắc Mỹ – là những thị trường khó tính nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, đi qua niềm vui ban đầu, khó để nói là đã làm chúng ta hài lòng.
Giám đốc Lê Ngọc Anh giới thiệu sản phẩm mắm Lê Gia. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Là tỉnh có tới hàng trăm mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trong đó có nhiều sản phẩm đặc trưng, nổi trội. Nhất là, trong bối cảnh tỉnh đã dành nhiều cơ chế và nguồn lực để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thì con số này đã trở nên quá khiêm tốn. Trong số các sản phẩm chủ thể sản xuất ký được các hợp đồng liên kết tiêu thụ ổn định với đối tác nước ngoài, chủ yếu là sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, tre luồng, dứa, thủy sản… là những sản phẩm truyền thống chủ lực của tỉnh, nức tiếng từ lâu. Nhiều sản phẩm có tiếng khác được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, nhưng lại chưa được nâng tầm để xuất khẩu ổn định.
Một số chuyên gia cho rằng, còn nhiều rào cản khiến nông sản Thanh Hóa dù có lợi thế trong nước, nhưng lại chưa hấp dẫn thị trường quốc tế. Trong đó vấn đề lớn nhất là tư tưởng “ăn xổi” trong nuôi, trồng của một số chủ sở hữu khiến nông sản tồn dư nhiều tạp chất làm giảm tính cạnh tranh. Cùng với đó, chưa có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp mạnh chủ động liên kết với nông dân để xây dựng vùng canh tác, nuôi trồng lớn và bao tiêu, gia công sản phẩm xuất khẩu. Điều này cho thấy, dù có dư địa phát triển, nhưng nông sản Thanh Hóa lại chưa tận dụng được để tạo ra hấp lực. Nếu cứ để nông dân “tự bơi” trong sự hạn hẹp về nguồn vốn, không có điều kiện để tiếp cận khoa học – công nghệ một cách đồng bộ, thì rất khó để xây dựng chất lượng, thương hiệu nông sản đáp ứng các tiêu chí của thị trường quốc tế. Chưa kể tính kết nối để luân chuyển hàng hóa, tiếp cận thị trường quốc tế gần như bằng không.
Trong số 354 sản phẩm OCOP mà tỉnh Thanh Hóa đang sở hữu, duy nhất mắm tôm Lê Gia là đảm bảo được chuỗi khép kín từ sản xuất đến xuất khẩu ra một số thị trường quốc tế khó tính. Kinh nghiệm mà chủ thể này chia sẻ là muốn mở đường cho nông sản trong tỉnh vươn tầm, đòi hỏi phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín và độ an toàn. Làm được điều đó mới giúp sản phẩm được ưu tiên lựa chọn và tin tưởng. Chưa kể, để vào được các thị trường khó tính và xác lập được chỗ đứng tại đây, thì việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm là hết sức quan trọng.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm truyền thống được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhất cả nước hiện nay. Cần phải nhân lên giá trị lợi thế này để quốc tế biết đến các sản phẩm có giá trị từ xứ Thanh. Mà muốn làm tốt điều đó, bên cạnh nỗ lực của chính quyền, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành khoa học và công nghệ, phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nông nghiệp. Các chủ thể sản phẩm cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ, quan tâm đến bao bì nhãn mác để nâng cao sức hấp dẫn, nhất là sản phẩm OCOP sau khi được công nhận. Đặc biệt, phải xóa bỏ tư duy “ăn xổi”, bắt tay thực sự với những doanh nghiệp mạnh thì mới tính được câu chuyện đường dài đưa nông sản làng ta vượt đại dương ra xứ người bền vững và hiệu quả.
Thái Minh