Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, được xem là một quyết định lịch sử. Để rồi, qua hơn 2 năm triển khai, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nghị quyết đại hội các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đã và đang góp phần đưa Thanh Hóa nổi lên như một điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác kinh tế ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX biểu quyết thông qua nghị quyết đại hội, chiều 28-10-2020.
Vị thế và tầm nhìn
Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, cầu nối giữa Bắc bộ với Trung bộ; bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, đất đai tương đối rộng với diện tích tự nhiên hơn 11 nghìn km2, đứng thứ 3 cả nước, Thanh Hóa là nơi hội tụ đủ 3 vùng sinh thái, trong đó miền núi là sự nối dài của Tây Bắc bộ, vùng đồng bằng lớn nhất Trung bộ, đất liền nhìn ra vịnh Bắc bộ, với thềm lục địa bao quát 18.000km2. Thanh Hóa có quy mô dân số 3,7 triệu người, lớn thứ 3 cả nước, trong đó có 2,6 triệu người đang trong độ tuổi lao động; con người xứ Thanh có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, quật cường trong chiến đấu, có khát vọng vươn lên để làm giàu cho quê hương, đất nước. Tỉnh có Khu Kinh tế Nghi Sơn gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp; có vùng lãnh hải rộng lớn, bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào; hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm đầy đủ các loại hình đường bộ – đường sắt – hàng không và đường biển, với nhiều trục tuyến giao thông quốc gia quan trọng đi qua… Đây chính là những tiềm năng khác biệt tạo nên cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội.
Để Thanh Hóa có bước phát triển mới, phát huy được tiềm năng, thế mạnh đang có, ngày 14-1-2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 218-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cơ quan thường trực là Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng và hoàn thiện đề án. Ngày 4-7-2020, tại TP Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo 218 Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ngày 17-7-2020, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị khóa XII đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thanh Hóa có rừng, có biển, có đồng bằng, có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, lại là tỉnh lớn, địa bàn rất rộng, rất giàu tiềm năng, con người chịu thương, chịu khó, truyền thống oanh liệt, vẻ vang. Đây chính là vốn quý, là tiềm năng, là tiềm lực vô cùng lớn để Thanh Hóa nỗ lực quyết tâm không cam chịu đói nghèo, không cam chịu thua kém người khác… Cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng – an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tầm nhìn đến năm 2045: Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Bám sát Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị khóa XII, với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 27 chỉ tiêu chủ yếu cho cả nhiệm kỳ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng. Cùng với đó, nghị quyết đã đề ra 6 chương trình trọng tâm, gồm: (1) Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM, (2) Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, (3) Chương trình phát triển du lịch, (4) Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, (5) Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi của tỉnh, (6) Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ; 3 đột phá trong nhiệm kỳ, gồm: (1) Đột phá về phát triển hạ tầng, (2) Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, (3) Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Lan tỏa nghị quyết vào cuộc sống
Với tinh thần “Trước đại hội đưa cuộc sống vào nghị quyết, sau đại hội đưa nghị quyết trở lại cuộc sống”, tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và thực hiện tích hợp chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 thành một chương trình để tập trung chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội (khóa XV) thông qua và ban hành Nghị quyết số 37 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, mở ra thời cơ, động lực mới cho kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển.
Nhận thức rõ việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW là sự quan tâm đặc biệt, mở ra thời cơ, triển vọng cho tỉnh phát triển đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đồng bộ, sâu rộng trong toàn tỉnh. Ngày 31-8-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sâu rộng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (khóa XIII), gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đã tổ chức 17 hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy, bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến tận cơ sở. Đồng thời tiếp sóng, phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, tạo điều kiện cho đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh theo dõi, học tập. Sau các hội nghị, đã hướng dẫn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch và tổ chức đánh giá chất lượng học tập, biểu dương cán bộ, đảng viên đạt kết quả xuất sắc.
Từ việc tổ chức thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương và của tỉnh đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Bài và ảnh: Minh Hiếu
Bài 2: Hành động quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ.