Gia đình ông Lê Đức Hạnh ở thôn Đồng Tâm, xã Thượng Ninh (Như Xuân) trước đây trồng 50 ha rừng keo, chu kỳ khai thác từ 5 – 6 năm, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Bởi lẽ, giá bán gỗ keo không ổn định, năng suất, chất lượng thấp. Năm 2018, được cán bộ xã vận động, ông chuyển 17 ha sang trồng rừng gỗ lớn.
Người dân xã Thượng Ninh chăm sóc rừng gỗ lớn.
Ông Hạnh chia sẻ: Khoảng 5 năm nữa khi cây keo được 10 năm tuổi sẽ đến kỳ khai thác. Nhờ chọn được giống keo có chất lượng, cách chăm sóc và bón phân hợp lý, hiện cây keo đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để Nhân dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia trồng rừng gỗ lớn và thực hiện việc chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, xã Thượng Ninh đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động; cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân và cách thức chăm sóc cho bà con nông dân. Đến thời điểm này, xã Thượng Ninh có 88 hộ tham gia trồng rừng gỗ lớn, với tổng diện tích gần 110 ha. Bà con đang tích cực chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng đã trồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh Quách Văn Khắc cho biết: Việc trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán của cơ quan chức năng, bán gỗ keo trồng thời gian 5 – 6 năm người dân thu về khoảng 60 – 80 triệu đồng/ha, nhưng khi trở thành rừng gỗ lớn, lợi nhuận có thể lên tới 250 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn còn góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, nâng cao độ che phủ rừng, làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế rừng.
Nhận thức được điều này, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia và bước đầu đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trồng rừng gỗ lớn thời gian cho khai thác lâu hơn, trong khi đời sống của Nhân dân còn khó khăn. Vì vậy, xã khuyến khích các hộ dân chuyển đổi từng bước, để “lấy ngắn nuôi dài”. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế rừng, nâng cao đời sống của người dân.
Để nâng cao giá trị kinh tế từ phát triển rừng, huyện Như Xuân đã xây dựng Đề án trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu mỗi năm trồng mới 800 – 1.000 ha rừng, trong đó có trên 50 ha rừng gỗ lớn, mỗi năm chuyển hóa 100 ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, phấn đấu đến năm 2025 có 1.600 ha rừng gỗ lớn. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp động bộ, chú trọng xây dựng các mô hình mẫu tại các xã, sau 8 năm thực hiện đề án, đến nay Như Xuân đã trồng được 1.500 ha rừng gỗ lớn. Nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế rừng từng bước được nâng lên, tích cực trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa diện tích rừng gỗ nhỏ, sang rừng gỗ lớn. Đặc biệt, người dân đã biết lựa chọn giống cây có chất lượng, trồng với mật độ thích hợp theo đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng, góp phần tiết kiệm được chi phí và công chăm sóc cho người dân.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân Lê Tiến Đạt cho biết: Trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, bà con nông dân tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển lâm nghiệp bền vững.
Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa và giá trị kinh tế trong thâm canh rừng gỗ lớn đến với người dân. Mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác rừng gỗ lớn. Rà soát lại diện tích đất trồng sắn, mía có độ dốc cao, kém hiệu quả sang quy hoạch trồng rừng gỗ lớn. Khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh rừng gỗ lớn, góp phần xóa nghèo bền vững.
Bài và ảnh: Xuân Cường