Trang trại trồng bưởi kết hợp với nuôi gà, cá của gia đình ông Trịnh Xuân Nam, ở thôn Trịnh Xá 3, xã Yên Ninh là một trong những mô hình trang trại tiêu biểu của huyện Yên Định. Năm 2016, với mong ước được đóng góp công sức, xây dựng quê hương Yên Ninh ngày càng giàu đẹp ông đã đề xuất với chính quyền địa phương được nhận thuê và thực hiện tích tụ đất đai, thành lập Công ty TNHH Dịch vụ – Thương mại Hương Quê và xây dựng trang trại tổng hợp trên diện tích 10 ha, với tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng.
Trang trại tổng hợp Hương Quê của gia đình ông Trịnh Xuân Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngay sau khi được giao đất, ông Trịnh Xuân Nam đã xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, chim bồ câu… theo quy trình khép kín và tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, trang trại tổng hợp Hương Quê với quy mô 12 áo cá, 7 khu chăn nuôi gà, mỗi lứa nuôi 3,5 vạn con, một năm 3 lứa. Ngoài ra, ông nuôi 60 lợn nái để lấy giống chăn nuôi, hàng năm trang trại xuất chuồng hơn 120 tấn lợn thịt. Bên cạnh đó, trang trại đã trồng trên 4.500 cây ăn quả các loại như bưởi da xanh, bưởi diễn, nhãn, mít… Bình quân hàng năm, trang trại tổng hợp Hương Quê cho tổng doanh thu 15 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6.000.000 đồng/người/tháng và các lao động thời vụ khác với mức thu nhập bình quân 180.000 đồng/ngày.
Để trang trại tổng hợp Hương Quê ngày một phát triển hiệu quả, ổn định, tạo những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, ông Nam không ngừng ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, áp dụng các chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Năm 2020 trang trại Hương Quê được Sở Khoa học – Công nghệ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa cho phép thực hiện Dự án: “Ứng dụng khoa học – công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cá lóc đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Định”. Kể từ thời điểm triển khai dự án, trang trại Hương Quê đã liên kết sản xuất với một số hộ ở địa phương tiến hành nuôi cá lóc thành công. Đến nay dự án đã được nghiệm thu đạt kết quả tốt.
Hiện huyện Yên Định có 997 trang trại, trong đó có 111 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT, ngày 28-02-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 3 loại hình chủ yếu gồm: trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các trang trại đều được đầu tư bài bản, quy mô, góp phần tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; quy mô đàn gia súc trong các trang trại đạt trên 30.000 con, đàn gia cầm khoảng hơn 400.000 con.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Việc phát triển kinh tế trang trại đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, thông qua những mô hình, người dân có cơ hội tiếp cận, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức khoa học – kỹ thuật, cách làm hay để ứng dụng và từng bước nhân ra diện rộng. Qua đó thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất quy mô lớn, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, manh mún tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Năm 2022, nhờ kinh tế trang trại đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.716 lao động tại địa phương.
Để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển bền vững, huyện Yên Định đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuê đất, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại; đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại xây dựng các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng; thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản gắn với Chương trình OCOP…
Bài và ảnh: Chi Phạm