Năm 2023 được xem là năm bản lề thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Đứng trước thời cơ mới, song còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ để du lịch Thanh Hóa đạt được mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn.
Khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Năng Cát – thác Ma Hao (Lang Chánh) với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thành điểm đến hấp dẫn. Ảnh: Hoài Anh
Đa dạng hóa sản phẩm
Trong những năm gần đây, các sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa ngày càng được hình thành rõ nét, đặc biệt sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cộng đồng, được du khách đón nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu khách du lịch cho thấy, sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa hiện vẫn là du lịch biển. Trong khi đó, để thúc đẩy chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú lại cần phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mới cùng các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm,…
Mới đây (ngày 3-8-2023), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến hoàn thiện chương trình và dịch vụ tour du lịch, với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp du lịch trong nước. Phát biểu tại sự kiện này, ông Vưu Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Doanh nghiệp lữ hành TP Cần Thơ nói riêng, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, lâu nay vẫn mặc định rằng Thanh Hóa chỉ có du lịch biển. Song qua chuyến khảo sát, chúng tôi thật sự rất bất ngờ về sự đa dạng sản phẩm du lịch. Đặc biệt, mỗi điểm đến đều để lại cho chúng tôi sự ấn tượng về môi trường sạch, đẹp và tính hấp dẫn. Tuy nhiên, cần tạo ra sự khác biệt từ những sản phẩm thế mạnh và chú trọng phát triển dịch vụ du lịch ở mỗi điểm đến để sản phẩm hoàn thiện hơn”.
Một số ý kiến khác cho rằng, hầu hết sản phẩm hiện có của Thanh Hóa đều mang những nét tương đồng với một số địa phương trong khu vực. Đặc biệt sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng nếu không gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc tại mỗi điểm đến rất dễ dẫn đến “bão hòa”. Bởi nếu đánh giá một cách khái quát, các điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng như: Pù Luông (Bá Thước), bản Năng Cát – thác Ma Hao (Lang Chánh), bản Hang (Quan Hóa), bản Mạ (Thường Xuân)… hiện đang có những nét cơ bản giống nhau trong các hoạt động tham quan, ăn uống, lưu trú, giao lưu văn nghệ.
Trong khi đó, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống, tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn có thể phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo),… đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và xu hướng phát triển của thị trường. Song việc xây dựng các sản phẩm mới, cũng như tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch truyền thống, hiện vẫn là một “điểm yếu” của du lịch Thanh Hóa.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm
Hoạt động đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay hầu hết các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ so với quy định. Trong đó, cá biệt có những dự án kéo dài suốt nhiều năm như: Khu đô thị sinh thái biển Đông Á (TP Sầm Sơn), Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn)… Thậm chí, một số dự án đầu tư trực tiếp được chấp thuận chủ trương đầu tư, song nhà đầu tư chưa có trách nhiệm cao, năng lực tài chính còn hạn chế, nên sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư chưa tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, máy móc, nhân lực để thi công làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Cùng với đó, vấn đề về hạ tầng giao thông hiện vẫn là một “điểm nghẽn” ở nhiều địa phương có khu, điểm du lịch. Thực tế, giao thông tiếp cận các khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa; hạ tầng giao thông đường thủy, đường biển phục vụ du lịch chưa phát triển, khả năng kết nối các loại hình giao thông chưa tốt… Do đó, ngay cả việc thúc đẩy liên kết tour, tuyến du lịch nội tỉnh vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn.
Với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, hướng đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế thuộc phân khúc cao cấp, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa hết sức coi trọng công tác xúc tiến, đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tính đến thời điểm này, Thanh Hóa đã thu hút được 81 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 146 nghìn tỷ đồng. Trong đó nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch như: Tập đoàn FLC, VinGroup, SunGroup, Flamingo, BRG, T&T, TNG… đã, đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô lớn tại Thanh Hóa như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Sầm Sơn; Khu tổ hợp dịch vụ thương mại, Khách sạn Vincom; Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường; dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En; Khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên; Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân;…
Khi các tổ hợp dự án này hoàn thành và đi vào vận hành, khai thác, cùng với sự phong phú và hấp dẫn về tài nguyên du lịch, hứa hẹn mang đến sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa và cơ bản khắc phục được tính mùa vụ – vốn là “điểm nghẽn” của du lịch Thanh Hóa thời gian qua.
Bên cạnh những hạn chế, bất cập kể trên, thì công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn còn rất hạn chế; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh trong phát triển du lịch còn thấp, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, các vấn đề về ứng dụng công nghệ số, các tiện ích trong hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; khả năng ứng phó của ngành du lịch trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, thời tiết… cũng là những vấn đề đã, đang đặt ra mà tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm, tháo gỡ.
Hoài Anh
Bài cuối: Nỗ lực lớn để cán đích các mục tiêu kỳ vọng.