Trong giai đoạn mới, ngành du lịch Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ theo hướng “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.
Sáng 15-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh, Ban Quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và các địa phương: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, Hoằng Hóa.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ giao, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Hướng tới phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Phân tích thêm về những kết quả du lịch đạt được, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chỉ rõ: 7 tháng năm 2023, tổng khách nội địa đạt 76,5 triệu lượt, tổng thu du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng; tổng lượng khách quốc tế đạt gần 6,6 triệu lượt, đạt 83% kế hoạch năm 2023. Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, cả nước ghi nhận lượng khách quốc tế Việt Nam cao nhất tính từ khi mở cửa vào ngày 15-3-2022 đến nay, với hơn 1 triệu lượt khách. Đây là những minh chứng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Hội nghị đã nghe đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam báo cáo nội dung giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Trong đó, Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong du lịch.
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thảo luận tại hội nghị (Ảnh chụp màn hình).
Tại hội nghị, các đại biểu tại điểm cầu Trung ương và các điểm cầu địa phương cơ bản thống nhất với nội dung kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Trong đó, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm là nội dung được nhiều địa phương quan tâm. Các ý kiến đều khẳng định, phát triển du lịch đêm không chỉ góp phần tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách mà còn đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là sản phẩm du lịch đặc thù, còn nhiều khó khăn, vướng mắc để triển khai có hiệu quả, đảm bảo du lịch đêm đa dạng, phản ánh bản sắc văn hóa ở mỗi điểm đến, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đóng góp ý kiến tại hội nghị (Ảnh chụp màn hình).
Đồng thời đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch mới; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; xúc tiến, quảng bá; hỗ trợ nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch cho các địa phương; thúc đẩy khai thác các đường bay quốc tế đến Việt Nam; đào tạo nguồn nhân lực;…
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cảm ơn những ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội nghị. Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và thách thức đặt ra cho du lịch Việt Nam trong tình hình mới.
Đồng chí đề nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung phát triển du lịch; doanh nghiệp, người dân phải chung sức, đồng lòng, chung tay phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, hiệu quả.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ, hướng đến phát triển du lịch một cách toàn diện, sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Việt Nam.
Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch.
Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch.
Nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch,… hướng tới mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
Hoài Anh