Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định… để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi huyện Thiệu Hóa phải kịp thời đổi mới để phù hợp với tình hình mới. Trong đó thực hiện các giải pháp đồng bộ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Một trang trại tổng hợp tại xã Thiệu Long.
Với diện tích sản xuất của gia đình mình, anh Trịnh Văn Phương ở thị trấn Thiệu Hóa đã lựa chọn trồng các loại rau theo mùa để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế không cao, đầu ra không ổn định, nên anh Phương đã tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, nhất là kỹ thuật canh tác các loại rau trái vụ được thị trường ưa chuộng như rau gia vị, cần tây, rau cải các loại…
Anh Phương cho biết: Trồng các loại rau trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần so với trồng chính vụ. Nếu như trước đây tôi chỉ trồng các loại rau cần tây, cải, thì là… thì vài năm nay các loại cây trồng này được sản xuất quanh năm, sản phẩm cũng được tiêu thụ ổn định ở các chợ trong và ngoài huyện.
Trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho người dân, huyện Thiệu Hóa đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang nuôi, trồng các loại cây, con có thu nhập cao hơn, như: rau an toàn, bí xanh, cây ăn quả, ớt… và xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai bằng nhiều hình thức, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như rau an toàn tập trung, lúa năng suất, chất lượng hiệu quả cao, sản xuất ớt liên kết… Được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện, các địa phương, người dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ, từ đó không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí, mà có thể nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.
Xác định liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm là hướng đi tất yếu để duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã làm tốt vai trò làm “cầu nối” giữa người dân và doanh nghiệp đưa nông sản ra thị trường. Theo đó, mỗi năm huyện có hơn 1.000 ha cây trồng như lúa, ngô dày, đậu tương, ngô ngọt, khoai tây, rau màu… được Công ty TNHH TP công nghệ cao Tâm Phú Hưng, Công ty Xuất nhập khẩu Ninh Bình, Công ty Xuất nhập khẩu ớt Phú Sỹ, Công ty Bò sữa Thống Nhất, Công ty Nông sản Thịnh Phát… liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, chú trọng các mô hình nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học. Tiêu biểu như: Mô hình trồng cây ăn quả tập trung, chăn nuôi thỏ, trồng ngô sinh khối, trồng dưa kim hoàng hậu, trồng hoa… Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện đã có 22 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao. Bên cạnh phát triển số lượng, huyện Thiệu Hóa đã và đang khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP.
Trong chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu, đồng thời huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư xây dựng trang trại, gia trại, áp dụng khoa học – kỹ thuật và máy móc hiện đại. Bên cạnh phát triển sản xuất, huyện đã tạo mọi điều kiện về mặt bằng sản xuất, mở rộng hệ thống thủy lợi, giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, hỗ trợ các mô hình sản xuất… để các hộ tham gia phát triển kinh tế.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa Trịnh Đức Hùng, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có hiệu quả kinh tế cao và bền vững như đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân với HTX và doanh nghiệp; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với các vùng nguyên liệu sản xuất các sản phẩm lợi thế như lúa giống, lúa chất lượng cao, rau an toàn; các sản phẩm chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, cá, con nuôi đặc sản… Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; kiểm soát tái đàn vật nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì, phát triển chăn nuôi, khuyến khích đầu tư xây dựng các trang trại quy mô lớn theo quy hoạch, xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường…
Bài và ảnh: Lê Ngọc