Mặc dù là một cảng biển non trẻ, nhưng Cảng Nghi Sơn đang được đánh giá là cảng biển có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Theo định hướng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Nghi Sơn đã được quy hoạch là cảng đặc biệt, với chức năng đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.
Hệ thống Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch tổng cộng 51 bến và khu bến, bao gồm: 10 bến container, 21 bến tổng hợp, 20 bến và khu bến chuyên dụng.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã và đang cân đối bố trí ngân sách, cũng như kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện hạ tầng cảng, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cảng quốc tế Nghi Sơn được quy hoạch với tổng diện tích 72 ha, trong đó có 16 ha mặt nước. Trong số 9 bến cảng đã được quy hoạch, Công ty TNHH Cảng quốc tế Nghi Sơn đã đầu tư hoàn thiện 6 bến; đồng thời nâng cấp hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác bốc dỡ hàng hóa bao gồm 11 cẩu chân đế, xe nâng hàng, xe cuốc… đối với hàng rời. Với hàng container, công ty cũng đã cài đặt thành công phần mềm 3 hệ thống trục container tự động, bảo đảm giải phóng hàng hóa trong 24 giờ.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Nghi Sơn Cao Minh Xuân cho biết: “Bộ Giao thông – Vận tải đang triển khai thi công luồng chính Nam Nghi Sơn, nâng độ sâu và chiều rộng luồng lên gấp gần 2 lần, có thể đón 1 lúc 2 luồng tàu. Để đón đầu việc này, chúng tôi đã tiến hành nạo vét khu trước bến để có thể tiếp nhận tàu trọng tải 70 vạn tấn, dự án thi công luồng chính dự kiến xong vào năm 2024”.
Với Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật PTSC Thanh Hóa, sau 20 năm hoạt động, doanh nghiệp cũng đã đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị khai thác hiện đại có thể tiếp nhận tàu 70 vạn tấn giảm tải. Trong đó, cảng đã thực hiện thành công việc tiếp nhận và xếp dỡ các loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng phục vụ việc xây lắp các dự án lớn như dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2… Hiện nay, công ty vẫn tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống quản lý và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện thành công chiến lược tăng tốc phát triển, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực dịch vụ mũi nhọn có thế mạnh là dịch vụ căn cứ cảng và logistics.
Hiện nay, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch tổng cộng 51 bến và khu bến, bao gồm: 10 bến container, 21 bến tổng hợp, 20 bến và khu bến chuyên dụng. Hiện nay, đã có 21 bến đi vào hoạt động, với năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Tại đây cũng đã đưa vào khai thác 2 khu neo đậu chuyển tải, với khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải trên 80 vạn tấn; 1 bến phao của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở tiếp nhận tàu trọng tải đến 320 vạn tấn, 4 điểm neo đậu chuyển tải phục vụ Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải đến 210 vạn tấn vào neo đậu, chuyển tải. Trong số 10 bến cảng container được quy hoạch có 8 bến cảng được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn và Công ty TNHH Long Sơn đầu tư xây dựng.
Với những nỗ lực đầu tư năng lực bốc xếp và lưu chuyển, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2020 là 41,8 triệu tấn; năm 2021 hơn 43 triệu tấn; năm 2022 là 41,31 triệu tấn, chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng qua nhóm cảng biển số 2 (nhóm cảng biển số 2 gồm 6 cảng: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) và phù hợp với dự báo lượng hàng theo quy hoạch được duyệt đến năm 2020 là từ 38,7 đến 44,7 triệu tấn. Những tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh tổng cầu của thị trường suy giảm, hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng sản lượng hàng hoá thông qua cảng vẫn duy trì ổn định, với số thu đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 9.600 tỷ đồng.
Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển và xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn, những năm qua cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông với Khu Kinh tế Nghi Sơn. Cụ thể, tỉnh đã đầu tư hệ thống giao thông đường bộ kết nối đến Cảng biển Nghi Sơn với Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và đường bộ cao tốc Bắc – Nam thông qua Tỉnh lộ 513, đường Nghi Sơn – Bãi Trành, cơ bản đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa đi và đến cảng. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn đang được đánh giá là chính sách tốt nhất về hỗ trợ dịch vụ vận tải trong hệ thống cảng biển tại Việt Nam.
Đánh giá những thành quả đạt được của Cảng Nghi Sơn, đặc biệt là đối với thành tựu thu hút được hãng tàu quốc tế của Tập đoàn CMA-CMG mở tuyến vận tải container quốc tế, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Việc tập đoàn CMA-CMG – một trong những tập đoàn đứng đầu thế giới về vận chuyển container quốc tế quyết định mở hoạt động logistics, đưa các chuyến tàu container đến với Cảng Nghi Sơn là bước ngoặt quan trọng cho phát triển hệ thống Cảng Nghi Sơn, dấu mốc đưa Nghi Sơn từ một cảng nội địa thành cảng biển có tính chất quốc tế, khẳng định lợi thế và năng lực của Nghi Sơn hoàn toàn có thể tiếp nhận và xử lý hàng hóa container vận chuyển quốc tế.
Cũng theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhằm phát huy lợi thế đặc biệt của Cảng biển Nghi Sơn, phát triển Cảng Nghi Sơn thành cảng biển quốc tế, tỉnh Thanh Hóa cần phải có sự đầu tư rất lớn. Cùng với việc thu hút đồng thời được thêm các hãng tàu cả quốc tế và nội địa về cảng, tỉnh Thanh Hóa cần bổ sung thêm những cơ chế khuyến khích đặc thù nhằm hiện đại hóa công tác đầu tư hạ tầng cảng, trung tâm logistics; đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư các dịch vụ hỗ trợ xử lý hàng hóa tại cảng biển, các hạ tầng bến bãi lân cận khu vực cảng biển; thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo nguồn hàng tại chỗ, tận dụng được nguồn hàng từ Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan ra biển nhằm đưa Cảng Nghi Sơn thành cảng biển sôi động, tạo động lực cho hoạt động đầu tư hiện đại hóa của các doanh nghiệp.
Bài và ảnh: Tùng Lâm