Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các khu công nghiệp (KCN) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa. Song, không thể phủ nhận, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, để KKTNS và các KCN tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” phát triển.
Hạ tầng KCN Bỉm Sơn đã tương đối đồng bộ so với các KCN khác, tuy nhiên hệ thống cấp nước thô, phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Minh Hằng
Chưa đáp ứng mong mỏi
Từ lợi thế đặc biệt và kỳ vọng tạo đột phá lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần đạt tới cho KKTNS và các KCN. Tuy nhiên đến nay, khi 1/2 thời gian thực hiện nhiệm vụ đã trôi qua, nhưng kết quả thì đa phần các chỉ tiêu chưa đạt được 50%, trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt thấp. Điển hình như giá trị sản xuất mới đạt 37,3%; giá trị xuất khẩu đạt 37,4%; thu ngân sách Nhà nước đạt 40,1%; giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 46%… Đáng nói, chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư huy động chỉ đạt con số 54.137/455.000 tỷ đồng, đạt 11,9%; đầu tư hạ tầng chỉ đạt 445/4.000 ha, đạt 11,1%; tỷ lệ lấp đầy KCN mới đạt 33,1%…
Mặc dù tỉnh đã chú trọng đổi mới các phương pháp xúc tiến đầu tư; chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhưng kết quả thu hút đầu tư vẫn thấp. Với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn này chỉ đạt 168 triệu USD/17 tỷ USD, đạt 1% kế hoạch; đầu tư trực tiếp trong nước đạt 15.366/250.000 tỷ đồng, bằng 6,2% kế hoạch đặt ra trong 5 năm. Con số này đang thấp hơn rất nhiều so với các trung tâm công nghiệp ở miền Bắc và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh ít tiềm năng, lợi thế hơn. Bên cạnh đó, một số dự án lớn, trọng điểm thi công vẫn bị chậm tiến độ, thậm chí kéo dài.
Về việc thực hiện các nhiệm vụ cũng còn nhiều hạn chế. Điển hình như việc lập và thẩm định Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Thanh Hóa và các phân khu đô thị trong KKTNS còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các KCN trong KKTNS, KCN Lam Sơn – Sao Vàng còn chậm và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp; một số KCN đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng như các KCN: Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và một số KCN trong KKTNS.
Về nhiệm vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng chưa đạt yêu cầu. Một số dự án giao thông kết nối với cảng biển Nghi Sơn sử dụng vốn đầu tư công triển khai thi công chậm tiến độ, đặc biệt là dự án đường nối cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn; dự án đầu tư hệ thống thoát nước đường 513 – KKTNS; dự án đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trục chính phía Tây – KKTNS. Cùng với đó, trong quá trình xây dựng và hoạt động vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm về công tác bảo vệ môi trường. Tình trạng xây dựng, cơi nới trái phép, lấn chiếm đất đai của các hộ gia đình, cá nhân riêng lẻ vẫn diễn ra và chưa được xử lý triệt để.
“Bắt mạch” nguyên nhân
Theo phân tích của Ban Quản lý KKTNS và các KCN, nguyên nhân khiến các chỉ tiêu liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng như nhiệm vụ đặt ra tại KKTNS và các KCN chưa đạt kỳ vọng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Với các yếu tố sản xuất và đầu tư, giai đoạn 2021-2023 cũng là thời gian trùng với thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung cầu hàng hóa, các quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Chính vì vậy, một số dự án quy mô lớn, trọng điểm bị giảm sản lượng do đứt gãy chuỗi cung ứng. Các dự án đang thi công bị chậm tiến độ hoàn thành để đưa ra sản phẩm mới. Một số nhà đầu tư đề xuất đầu tư dự án hoặc ký biên bản ghi nhớ về triển khai đầu tư dự án nhưng không triển khai theo kế hoạch như: nhà máy sản xuất giấy và năng lượng sinh khối dự kiến tổng mức đầu tư 41.000 tỷ đồng; tổ hợp dự án Xuân Thiện dự kiến tổng mức đầu tư 138.200 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, từ năm 2021, vướng mắc trong việc phân định khu chức năng trong khu kinh tế và việc chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong KCN, khu kinh tế đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Cùng với đó là những khó khăn về chế độ sử dụng đất KCN trong khu kinh tế; việc xác định chính sách miễn, giảm tiền thuê đất về địa bàn ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư tại KKTNS; các vướng mắc, bất cập trong việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thương mại dịch vụ quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18-12-2020 của Chính phủ.
Cùng với những nguyên nhân khách quan đó, theo đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác lãnh đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, các hoạt động sản xuất, kinh doanh còn chưa quyết liệt, sâu sát, kịp thời theo tiến độ đề ra. Hiệu quả công tác phối hợp giữa ban với các sở, ngành, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan có lúc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, đặc biệt là công tác GPMB tại các dự án. Không ít dự án bị chậm tiến độ do nguyên nhân này, mặc dù chủ đầu tư sẵn sàng nguồn vốn, như dự án KCN Đồng Vàng, dự án Nhà máy hóa chất Đức Giang…
Có thể nói, thiếu mặt bằng “sạch” cùng hạ tầng kỹ thuật – xã hội đồng bộ, là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chỉ tiêu thu hút đầu tư tại KKTNS và các KCN còn chậm. Theo đó, hiện KKTNS đã được quy hoạch 25 phân khu công nghiệp, với diện tích khoảng gần 9.058 ha. Trong số 23/25 phân khu công nghiệp này, chỉ có 4 KCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng gồm: KCN luyện kim, KCN số 1, KCN số 3 và KCN số 15 (KCN Đồng Vàng). Còn lại, có tới 19 KCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, quá trình vận động, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng KCN cũng như nhà đầu tư thứ cấp còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Đa phần các KCN vẫn chưa được Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, GPMB theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Đồng chí Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban Quản lý KKTNS và các KCN, cho biết: “Thực tế cho thấy, do không có quỹ đất sạch để giao cho các nhà đầu tư nên việc thu hồi đất của các dự án, quá trình bồi thường GPMB mất nhiều thời gian, dẫn đến dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư, tạo ra tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư. Thực trạng xây dựng hạ tầng rất chậm tại các KCN trong KKTNS là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp, đặc biệt là nguồn vốn FDI gặp khó trong thời gian gần đây. Cùng với đó, tuy có lợi thế về cảng biển nhưng tại Nghi Sơn vẫn chưa có cảng container chuyên dụng và trung tâm logistics. Đây đang là một trong những hạn chế cơ bản khiến việc phát triển KKTNS và các KCN chưa đạt kỳ vọng”.
Còn tại các KCN khác như: KCN Lễ Môn, KCN Bỉm Sơn, KCN Tây Bắc Ga, KCN đô thị Hoàng Long tuy đã hình thành từ lâu và tỷ lệ lấp đầy khá cao (KCN Lễ Môn 100%; KCN Hoàng Long 100%; KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga 94%; KCN Bỉm Sơn 60%) nhưng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy cũng chưa được hoàn thiện, khiến doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm khi sản xuất, kinh doanh. Điển hình như tại KCN Bỉm Sơn hiện vẫn chưa hoàn thành hệ thống cấp nước thô cho toàn khu. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn do lưu lượng nước sạch chưa đáp ứng được về sản lượng và áp lực nước, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, đi vào vận hành và sản xuất của nhà đầu tư thứ cấp, cũng như kế hoạch vận hành các nhà máy xử lý nước thải trong KCN.
Những hạn chế, tồn tại trong Chương trình phát triển KKTNS và các KCN đang rất cần những giải pháp tổng thể về nguồn lực, cũng như sự phối hợp trách nhiệm và hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, địa phương để cùng tháo gỡ. Từ đó, mở đường cho việc thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Minh Hằng
Bài cuối: Khơi thông cơ chế, tạo các nguồn lực.