Sáng 11-8, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị tọa đàm khảo sát xây dựng Luật Phòng không Nhân dân (PKND). Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PKND tỉnh và Đại tá Bùi Đức Hiền, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật PKND, Trưởng Đoàn khảo sát đồng chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm và Đại tá Bùi Đức Hiền, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật PKND, Trưởng Đoàn khảo sát đồng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Thiếu tướng Lê Văn Vỹ, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo PKND Quân khu 4; Đại tá Lê Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo PKND tỉnh; Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh; lãnh đạo Ban CHQS 27 huyện, thị xã, thành phố.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm nhấn mạnh: Hội nghị tọa đàm nhằm đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PKND trên địa bàn tỉnh; tham gia trao đổi ý kiến xây dựng Luật PKND; đề ra nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PKND trong thời gian tới.
Hội nghị tọa đàm khảo sát xây dựng Luật Phòng không Nhân dân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND đề nghị đại biểu thẳng thắn trao đổi với Đoàn khảo sát về kết quả thực hiện công tác PKND tại địa phương, đơn vị; những khó khăn, bất cập trong tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời đề ra các phương hướng, biện pháp khắc phục. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng Luật PKND, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao.
Đại biểu các địa phương, đơn vị trong tỉnh dự hội nghị.
Đồng thời, tập trung đóng góp, đề xuất về bố cục, nội dung Dự thảo Luật PKND; trọng tâm là những vấn đề cốt lõi còn bất cập về thể chế và trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác PKND; đề xuất, bổ sung, những nội dung cần thiết vào trong Dự thảo Luật PKND cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đại biểu các địa phương, đơn vị trong tỉnh dự hội nghị.
Hội nghị đã nghe cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PKND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác PKND trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nêu rõ: Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PKND Quân khu 4 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác PKND của tỉnh được Ban Chỉ đạo PKND các cấp triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, góp phần hoàn thành nhiệm vụ quân sự – quốc phòng trong xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh Thanh Hóa ngày càng vững chắc.
Quang cảnh hội nghị tọa đàm khảo sát xây dựng Luật Phòng không Nhân dân.
Nổi bật là, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PKND tỉnh đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 28/NQ-TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28/NQ-TW, ngày 25-10-2013 (khoá XI) của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc tron tình hình mới”; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-2-2019 của Chính phủ về KVPT; Nghị định số 74/2015/NĐ-CP, ngày 9-9-2015 của Chính phủ về PKND.
Quang cảnh hội nghị tọa đàm khảo sát xây dựng Luật Phòng không Nhân dân.
Qua đó, Ban Chỉ đạo PKND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thường trực là Bộ CHQS tỉnh và cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo, ban hành kịp thời, đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thành lập, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo PKND; kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo PKND; hệ thống văn kiện tác chiến PKND để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PKND. Nhờ vậy đã tạo hành lang pháp lý trong tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PKND trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Cục Phòng không lục quân báo cáo dự thảo Luật Phòng không Nhân dân.
Tiếp đó, đại diện Cục Phòng không lục quân báo cáo dự thảo Luật PKND. Mục đích xây dựng dự án Luật PKND nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, các biện pháp bảo đảm an toàn phòng không.
Đại biểu các đơn vị Quân đội dự hội nghị.
Nâng cao năng lực về công tác PKND, góp phần củng cố quốc phòng – an ninh và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế – xã hội.
Đại biểu các đơn vị Quân đội dự hội nghị.
Dự thảo Luật PKND gồm 8 chương, 45 điều, tập trung vào 5 chính sách nổi bật được Chính phủ, Quốc hội thông qua. Cụ thể, chính sách 1 là xây dựng lực lượng PKND; chính sách 2 là huy động, hoạt động của lực lượng PKND; chính sách 3 là quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; chính sách 4 là quy định các biện pháp bảo đảm an toàn phòng không; chính sách 5 là nguồn lực, chính sách bảo đảm công tác PKND.
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị.
Thảo luận tại hội nghị, các đại đều thống nhất việc xây dựng, ban hành Luật PKND là rất cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND. Đồng thời, đóng góp ý kiến vào các nội dung như: Đối tượng điều chỉnh; xây dựng, huy động lực lượng PKND; tổ chức hoạt động PKND; quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân đối với PKND; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho PKND.
Đại tá Bùi Đức Hiền, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật PKND, Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Đại tá Bùi Đức Hiền ghi nhận, đánh giá cao ý kiến thảo luận của các đại biểu. Đồng thời đề nghị các thành viên Đoàn khảo sát tiếp thu nghiêm túc các ý kiến, nhằm giúp Tổ biên tập sớm hoàn thiện Dự thảo Luật PKND trình Quốc hội thông qua. Qua đó để Luật PKND sớm được triển khai thực hiện, tạo hành lang pháp lý, chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Đại tá Bùi Đức Hiền cũng đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo PKND các cấp trong tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhiệm vụ quân sự – quốc phòng; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác PKND.
Trần Thanh