Dù lượng khách du lịch đến Thanh Hóa luôn trong tốp đầu của cả nước, song chủ yếu là khách nội địa. Khách quốc tế chỉ chiếm 2 – 2,5% tổng lượng khách, chủ yếu đến từ các nước Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á; chưa có nhiều khách đến từ EU, Bắc Mỹ, Úc…
Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) – điểm đến yêu thích của khách quốc tế.
Lấy văn minh, thân thiện làm nguyên tắc ứng xử
Hiện nay nơi thu hút lượng khách du lịch quốc tế lớn nhất vẫn là khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn. Đây vừa là điểm đến “truyền thống”, vừa là nơi sở hữu hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của khách quốc tế.
Ngược lại, khoảng thời gian hơn 10 năm trước, du lịch Sầm Sơn từng đứng trước nguy cơ bị “tẩy chay” trong đó có nguyên nhân từ tình trạng thiếu văn minh, lịch sự trong cách ứng xử. Mặc dù chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ người dân địa phương cũng như đơn vị kinh doanh du lịch, song đã để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, ngành quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn “vấn nạn” này. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3771/UBND-KTTC, ngày 29-5-2013 về việc “Chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, thực hiện văn minh du lịch Sầm Sơn”, đồng thời lấy năm 2013 là “Năm chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, thực hiện văn minh du lịch”. Theo đó, chỉ đạo lấy chất lượng môi trường du lịch làm công cụ kích cầu, tập trung thực hiện phong trào “Cảnh quan đẹp, môi trường sạch, ứng xử văn minh”.
Sau một thời gian triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, đặc biệt là với sự thay đổi nhận thức, tích cực vào cuộc của người dân, chỉ sau một thời gian ngắn Sầm Sơn đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Không còn tình trạng ăn xin, ăn mày, cách ứng xử của cộng đồng cũng trở nên thân thiện… Từ chỗ đứng trước nguy cơ bị tẩy chay, đến nay Sầm Sơn đang vươn lên trở thành một trong những đô thị du lịch trọng điểm của cả nước. Năm 2017, tại Lễ vinh danh các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam do Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, TP Sầm Sơn được vinh danh là 1 trong 5 điểm du lịch hàng đầu cả nước.
Vài năm trở lại đây, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế. Với khí hậu ôn hòa, sở hữu rừng rậm nguyên sinh cùng những giá trị văn hóa đặc sắc, Pù Luông được du khách quốc tế ví như “thiên đường nghỉ dưỡng”.
Năm 2022, huyện Bá Thước đã đón 82.646 lượt khách, bằng 122% so với năm 2021 và cao nhất từ trước đến nay, trong đó khách quốc tế là 5.447 lượt. Hiện Pù Luông đón khoảng 25% khách quốc tế đến với Thanh Hóa. Trong khi đó, nếu bàn về giá cả dịch vụ từ ăn uống cho đến lưu trú tại đây cho thấy không hề rẻ so với các khu du lịch trọng điểm trong tỉnh. Tuy nhiên, thứ mà hầu hết du khách mang theo khi ra về đó là sự hài lòng, niềm vui, nụ cười và lời hứa hẹn sẽ trở lại.
Anh Thac Lecong (du khách Mỹ) cho biết: “Tôi cùng bạn bè đã đến Pù Luông nhiều lần, song mỗi lần đều là những trải nghiệm thú vị. Điều khiến chúng tôi cảm thấy ấn tượng hơn cả chính là sự thân thiện của người dân, nhiều người còn sử dụng thành thạo ngoại ngữ, nhiệt tình giúp đỡ khi chúng tôi cần hỗ trợ”.
Cùng với yếu tố cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ du lịch… việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện là yếu tố được khách quốc tế hết sức coi trọng. Điều đó được bắt nguồn từ những cử chỉ, nụ cười, từ những câu nói cảm ơn sau khi du khách sử dụng hàng hóa, dịch vụ của mình.
Kỳ vọng từ những công trình đẳng cấp
Có thể nói mọi sự so sánh đều trở nên khập khiễng, song hãy nhìn vào điểm đến hút khách quốc tế hàng đầu cả nước – TP Phú Quốc (Kiên Giang) để thấy rõ lý do. Trong đó 3 yếu tố đã được các chuyên gia du lịch chỉ ra là: thiên nhiên tuyệt đẹp, hạ tầng du lịch mang tính độc bản và dịch vụ chuyên nghiệp. Trong đó, nhiều công trình du lịch giải trí và nghỉ dưỡng “xa xỉ” đã góp phần ghi danh Phú Quốc trên bản đồ du lịch quốc tế. Năm 2022, Tạp chí Conde Nast Traveller bình chọn Phú Quốc đứng thứ 6/10 hòn đảo nghỉ dưỡng được yêu thích nhất châu Á và World Travel Award vinh danh Phú Quốc là “Hòn đảo có thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới”.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua tỉnh Thanh Hóa hết sức coi trọng công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Tính đến thời điểm này, Thanh Hóa đã thu hút được 81 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 146.000 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến một số dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp đã, đang được triển khai như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (TP Sầm Sơn); các dự án của Tập đoàn Sun Group: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội (TP Sầm Sơn), Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (Như Thanh), Khu đô thị nghỉ dưỡng suối khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương); Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa); Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (Quảng Xương); Dự án Flamingo Linh Trường Khu B (Hoằng Hóa)… Khi các tổ hợp dự án này hoàn thành và đi vào vận hành, khai thác được kỳ vọng sẽ góp phần ghi danh Thanh Hóa vào bản đồ du lịch thế giới.
Với mục tiêu đón 850.000 lượt khách quốc tế vào năm 2025 và trở thành điểm đến yêu thích của khách quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: phát triển sản phẩm du lịch xanh, an toàn, gần gũi thiên nhiên; đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường khách tiềm năng như châu Âu, châu Mỹ; ứng dụng du lịch thông minh; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, cơ quan báo chí nhằm xúc tiến, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Thanh Hóa tại nước ngoài; đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế đến khảo sát du lịch Thanh Hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư du lịch khu nghỉ dưỡng cao cấp… Đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các trọng điểm là “nguồn cung” khách quốc tế trong cả nước.
Bài và ảnh: Hoài Anh