Những năm qua việc hình thành và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm đưa các loại cây, con mới vào sản xuất không những thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, mà còn giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều mô hình đã được nhân rộng thì vẫn còn không ít mô hình không phát huy được hiệu quả, chỉ duy trì trong thời gian ngắn, gây rủi ro và làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu của chị Lê Thị Tuyết ở xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với đặc tính dễ nuôi, cho giá trị kinh tế cao, nên trước đây rùa câm được nhiều hộ gia đình ở xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) lựa chọn là con nuôi để phát triển kinh tế hộ. Thời điểm mô hình được nhân rộng, toàn xã có gần 170 hộ nuôi rùa kết hợp ba ba, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Ông Đỗ Hữu Thịnh, một trong những hộ nuôi rùa câm đầu tiên trên địa bàn xã, cho biết: Rùa câm là loại động vật hoang dã dễ sống, tạp ăn, ít bệnh tật, phát triển nhanh, chịu rét rất tốt, thức ăn chính là giun, nhái đồng, cá tạp… Chính vì những đặc điểm đó cùng với giá bán cao nên gia đình ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô.
Thời điểm đó đàn rùa câm của gia đình ông Thịnh được các nhà hàng trên địa bàn tỉnh tìm mua với số lượng lớn mà không cần phải tìm kiếm nơi tiêu thụ. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây giá rùa câm giảm sâu mà vẫn không có người mua, trong khi số rùa thương phẩm và rùa con sinh sản ngày một tăng lên.
Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp Phùng Bá Duy cho biết: Trước thực trạng đầu ra của rùa câm gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình đã phải giảm đàn hoặc bán rẻ con giống để dừng sản xuất. Bên cạnh rùa câm, một số con nuôi đặc sản trên địa bàn xã như ba ba cũng gặp tình trạng tương tự. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 100 hộ đang duy trì mô hình nuôi con đặc sản với quy mô nhỏ lẻ, với số lượng đàn đã giảm hơn nhiều so với trước đây. Nguyên nhân được xác định là sản phẩm phần lớn được xuất sang thị trường Trung Quốc nên đầu ra bị phụ thuộc, thường hay xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”.
Không thể phủ nhận, việc phát triển mô hình nuôi con nuôi đặc sản có thời điểm mang lại thu nhập rất cao cho người dân, tuy nhiên, nếu nuôi theo phong trào mà không quan tâm đến đầu ra thì sản phẩm con nuôi đặc sản rơi vào cảnh ế ẩm, dư thừa, rớt giá là không thể tránh khỏi.
Những năm gần đây, mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu được người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định… đầu tư nhân rộng. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dưa được trồng trong nhà lưới nên năng suất, chất lượng mẫu mã đẹp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, một số địa phương đã xây dựng dưa Kim Hoàng Hậu thành sản phẩm đặc trưng và có đầu ra ổn định. Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà mô hình dưa Kim Hoàng Hậu mang lại, tuy nhiên cũng có không ít mô hình đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Chị Lê Thị Tuyết – một trong những hộ dân đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng dưa trong nhà lưới tại xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) cho biết: Để mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân phải nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, vốn đầu tư lớn, từ 300 đến 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho 1.000m2. Bên cạnh đó, khi mô hình được nhân rộng ồ ạt, nếu sản phẩm không đạt chất lượng, đầu ra không ổn định thì sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá sản phẩm giảm. Mặt khác, một số hộ còn làm theo phong trào, chưa quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, dẫn đến khó khăn cho sản xuất.
Có thể nói, xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với các địa phương. Vì vậy, để các mô hình sản xuất nông nghiệp được nhân rộng và phát huy hiệu quả, các địa phương cần quan tâm rà soát các mô hình trên địa bàn để có kế hoạch quản lý, định hướng phát triển, tránh việc phát triển ồ ạt, theo phong trào. Đối với các mô hình triển vọng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học- kỹ thuật, bảo vệ môi trường, chăn nuôi an toàn dịch bệnh… nhất là phát triển các mô hình gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hàng năm, các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho người dân; đồng thời, tiếp nhận khảo nghiệm, chuyển giao nhanh các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt để người dân đưa vào sản xuất.
Bài và ảnh: Lê Ngọc