Quảng Yên là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Những năm qua, Hội Văn học nghệ thuật TX Quảng Yên luôn giữ vững và phát huy truyền thống sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trên mảnh đất Bạch Đằng giang lịch sử.
Với nhiều di tích lịch sử và các lễ hội truyền thống, Quảng Yên từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các tác phẩm văn học – nghệ thuật. Hội Văn học nghệ thuật thị xã đã được thành lập từ rất sớm (năm 1970). Hiện nay, Hội có lực lượng khá đông đảo với 48 hội viên, sinh hoạt trong 5 ban chuyên môn bao gồm mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc sân khấu và biểu diễn, văn xuôi lý luận phê bình, thơ và ban văn nghệ dân gian.
Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND thị xã, cho biết: Những năm qua cấp ủy, chính quyền thị xã luôn quan tâm tới đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn. Thị xã đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất hỗ trợ sáng tác cho các văn nghệ sĩ, bố trí trụ sở làm việc của Hội, tạo điều kiện để Hội bố trí cán bộ thường trực, cấp kinh phí thường xuyên và kinh phí hỗ trợ hội viên sáng tác.
Được biết, hằng năm TX Quảng Yên đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật để tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ có cơ hội chuyển tải giá trị các tác phẩm mới đến với công chúng. Đồng thời, Hội Văn học nghệ thuật thị xã cũng tổ chức triển lãm hàng năm, biểu diễn và xuất bản các tác phẩm thuộc thể loại văn thơ mỹ thuật nhiếp ảnh nghệ thuật, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ hội viên được đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thị xã.
Đồng thời, Hội Văn học nghệ thuật thị xã cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ tài trợ của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, đoàn thể và các cá nhân trên địa bàn trong hoạt động sáng tác triển lãm xuất bản và biểu diễn văn học nghệ thuật. Nhờ đó, trong những năm qua, các hội viên đã sáng tác được hàng ngàn bức tranh, tượng, ảnh nghệ thuật, tổ chức được 40 cuộc triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh ở thị xã và tham dự hàng chục cuộc triển lãm ở tỉnh, khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Trung ương và quốc tế.
Những họa sĩ thường xuyên có tranh được treo là Vũ Tư Khang, Đặng Đình Nguyễn, Đào Thế Am, Nguyễn Sỹ Chuyên, Đinh Thanh v.v.. Một số họa sĩ thường xuyên gửi tranh “săn” giải thưởng các cuộc thi là Nguyễn Sỹ Chuyên, Đặng Đình Nguyễn, Đào Thế Am, Hà Quý Phong. Riêng họa sĩ gạo cội Vũ Tư Khang đã xuất bản tập sách ảnh giới thiệu toàn bộ những bức tranh nổi bật trong cuộc đời sáng tác của mình.
Nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Yên bên cạnh thành tựu của các tay máy gạo cội như Trần Đức Sửu, Đặng Xuân Tề, có các tác giả thường xuyên có ảnh dự triển lãm là Nguyễn Thanh Tùy, Nguyễn Ánh Ngọc, Vũ Tiến Dũng, Dương Văn Toàn, Nguyễn Long Giang, Vũ Văn Thành, Đào Đức Thoa, Trần Quang Năng…
Các văn nghệ sĩ đã xuất bản được 41 tập thơ, gần 10 tập truyện ngắn và bút ký, 6 tập sách văn nghệ dân gian, sáng tác được hàng chục ca khúc và đã xuất bản được 2 chương trình ca nhạc CD và DVD âm nhạc về TX Quảng Yên. Đồng thời, đã có hàng trăm chương trình văn nghệ quần chúng được tổ chức để phục vụ các sự kiện chính trị và sinh hoạt văn hóa tinh thần phục vụ nhân dân thị xã.
Lĩnh vực văn học ở Quảng Yên những năm qua ghi nhận thành tựu của các tác giả: Lê Duy Thái, Lê Hữu Lịch, Dương Phượng Toại, Đoàn Dư Diệp, Lê Tín, Lương Liễm, Hữu Lững và gần đây là các tác giả trẻ Dương Giao Linh, Cao Nguyệt Nguyên, Đỗ Thanh Hoa…
Cùng với đó, hoạt động văn nghệ dân gian cũng là một trong những thế mạnh của văn học nghệ thuật Quảng Yên. Một số hội viên hoạt động tích cực như: Lê Đồng Sơn, Ngô Đình Dũng, Phạm Thanh Quyết. Các thành viên của CLB Hát đúm Quảng Yên đã tích cực sưu tầm, bảo tồn và phổ biến các làn điệu hát đúm, ca dao, hò vè v.v.. Nhiều công trình nghiên cứu sưu tầm, khảo cứu văn nghệ dân gian đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, in thành sách. Nổi bật nhất trong lĩnh vực này có lẽ là tác giả Lê Đồng Sơn với 5 tập sách về văn hoá Quảng Yên được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Trong thời gian tới, Hội Văn học nghệ thuật TX Quảng Yên xác định tiếp tục tổ chức các triển lãm mỹ thuật “Làng tranh Yên Hưng”, triển lãm ảnh nghệ thuật, các đêm thơ Bạch Đằng giang, hỗ trợ hội viên xuất bản sách, phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Truyền thông – Văn hoá và các phường, xã phát triển 12 CLB sở thích về văn nghệ, mở các lớp năng khiếu nhạc, hoạ cho thanh, thiếu niên để tạo nguồn bổ sung hội viên mới.