Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thanh toán không dùng tiền mặt dần đi vào cuộc sống

STO - Tiện lợi, nhanh chóng, dễ dùng… là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại. Hiện thanh toán này được người dân sử dụng ngày càng phổ biến, như một thói quen và dần đi vào cuộc sống.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng17/04/2025

Sau khi chọn mua bánh, đồ khô, rau, củ, quả tại Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng, chị Thuận (thành phố Sóc Trăng) đẩy xe đến quầy để nhân viên tính tiền với tổng số gần 1 triệu đồng và chị chọn thanh toán bằng cách quét mã. Theo chị Thuận, việc thanh toán không dùng tiền mặt được chị dùng thường xuyên khi đến mua hàng tại siêu thị, cửa hàng hoặc ở những nơi chấp nhận chuyển khoản, quét mã QR. “Không cần mang theo tiền mặt, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet. Rất tiện dụng, hữu ích và nhanh chóng”, chị Thuận chia sẻ.

Dù tuổi cao nhưng mấy năm gần đây, bà Khanh (thành phố Sóc Trăng) đều thanh toán bằng thẻ ngân hàng qua máy POS mỗi khi mua sắm tại siêu thị. Bà Khanh cho biết: “Hằng tháng, lương hưu của tôi đều được trả qua thẻ ngân hàng nên tôi sử dụng luôn thẻ này để thanh toán khi mua sắm. Chỉ khi đi chợ truyền thống mua thịt, cá, rau… nhỏ lẻ thì mới sử dụng tiền mặt”.

Anh Tuấn có 2 con theo học bán trú tại một trường cấp 1 và cấp 2 trên địa bàn thành phố Sóc Trăng nên hằng tháng anh đều phải thanh toán tiền ăn, tiền bán trú cho các con. Theo anh Tuấn, trước đây vào những ngày đầu tháng, anh phải tranh thủ vào trường để đóng tiền cho các con nhưng giờ anh toàn chuyển khoản, rất tiện lợi.

Khách hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR khi mua sắm tại siêu thị trên địa bàn thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Thường xuyên mua sắm trên các kênh thương mại điện tử nên anh Khả chọn chuyển khoản trước cho tổ chức, hộ kinh doanh hoặc khi shipper đến giao hàng. Bởi theo anh Khả, việc thanh toán không dùng tiền mặt rất nhanh chóng, tiện lợi, dễ sử dụng.

Không chỉ khách hàng thấy tiện lợi mà những người làm nghề shipper cũng thích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo anh Phúc, mỗi ngày anh giao khoản 50 - 70 đơn hàng, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết đơn tăng gấp đôi, có những đơn hàng giá trị cao nên số tiền anh phải nhận rất lớn. Vì vậy, khi khách hàng chọn chuyển khoản anh rất vui vì không phải lo giữ, sợ mất tiền khi đi giao hàng. Anh Phúc cho biết, hiện phần lớn các đơn hàng anh giao có khoảng 50% khách chọn chuyển khoản thay gì trả tiền mặt.

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay không chỉ được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng mà tổ chức, hộ kinh doanh rất đồng tình hưởng ứng, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để đa dạng các hình thức thanh toán khác nhau, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đại diện Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng cho biết, hầu hết các hình thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt phổ biến trên thị trường đều đã có mặt tại siêu thị như: các app ứng dụng công nghệ, thanh toán bằng QR code, ví thanh toán điện tử (ZaloPay, MoMo, VNPAY, Viettel Pay…)… Trong những tháng đầu năm 2025, lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị chiếm gần 20% so với tổng doanh thu, tăng so với trước đây và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo ghi nhận, các hộ kinh doanh trên tuyến đường Hai Bà Trưng (Phường 1, thành phố Sóc Trăng) tích cực tham gia mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt”. Chủ cửa hàng chuyên bán xe đạp Quách Mẫu cho biết, hằng ngày khách hàng đến mua xe đạp chọn chuyển khoản chiếm khoảng 20%, tăng nhiều so với trước đây. Hiện cửa hàng bố trí mã QR của 2 ngân hàng khác nhau để khách hàng dễ dàng chuyển khoản.

Tính đến cuối năm 2024, tại tỉnh Sóc Trăng, tổng số lượt thanh toán tiền điện trực tuyến là 4.779.620 khách hàng, với tổng số tiền đã thực hiện thanh toán trực tuyến cho lĩnh vực điện là 4.029,85 tỷ đồng. Đối với ngành nước, số lượt khách hàng thanh toán trực tuyến tiền nước là 850.735 lượt với tổng số tiền thanh toán trực tuyến là 191 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 20 ngân hàng đặt máy ATM với tổng số 147 máy và 1.072 máy POS của 14 ngân hàng lắp đặt trên địa bàn. Tổng số tài khoản ngân hàng đã cấp còn đang hoạt động là 1.143.908 tài khoản. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, chiến dịch nhằm tiếp cận và khuyến khích khách hàng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: tiếp thị tại các cửa hàng, chợ truyền thống, tuyên truyền theo tuyến phố để mở và lắp mã QR, triển khai thêm nhiều tiện ích khi thanh toán trực tuyến trên internet (Internet Banking, Mobile Banking...), liên kết với các ví điện tử như: Timo, OnePay, Momo, ZaloPay, VNPay, ShopeePay… Đồng thời, triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hỗ trợ mở, cập nhật, thay đổi các thông tin khách hàng, triển khai ứng dụng của chip điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID trong định danh để xác thực thông tin khách hàng; ưu đãi khi khách hàng mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC). Hiện tại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 3 ngân hàng thương mại trang bị máy ATM giao dịch bằng căn cước công dân để phục vụ người dân trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia vào cuộc của các đơn vị, tổ chức có liên quan và sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã từng bước đi vào cuộc sống và trong tương lai sẽ trở thành công cụ thanh toán không thể thiếu trong mọi hoạt động của xã hội. Việc này sẽ góp phần giúp Sóc Trăng triển khai thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số.

HOÀNG LAN

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/202504/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-dan-di-vao-cuoc-song-d511fbf/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm