Không lâu nữa, 3.000km cao tốc đưa vào khai thác sẽ mở ra không gian phát triển, tạo sức bật mới cho các địa phương, vùng miền trong cả nước.
Thành quả từ sự đột phá, quyết liệt
Chỉ trong khoảng 3 năm, chiều dài đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác gần bằng hơn 10 năm trước đó cộng lại. Thành quả này đến từ nỗ lực, quyết tâm của nhiều chủ thể. Trong đó, sự đồng hành của Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là yếu tố tiên quyết.
Đột phá thể chế
Trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua, các “điểm nóng” về giao thông luôn được Quốc hội nắm bắt, tháo gỡ kịp thời bằng nhiều quyết sách đặc biệt với hàng loạt cơ chế đặc thù.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động thi đua cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc ngày 18/8.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả cơ quan lập pháp và hành pháp đều tập trung, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đầu tư các dự án giao thông trọng điểm.
Tại nhiều kỳ họp bất thường, Quốc hội đã có những quyết sách quan trọng. Điển hình, cơ chế giao thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; giao mỏ vật liệu không qua đấu giá; nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án PPP… đã giúp việc triển khai xây dựng hạ tầng giao thông có những đột phá. Ngân sách khó khăn nhưng nguồn lực đầu tư cho giao thông luôn được ưu tiên.
Lần đầu tiên, một Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án giao thông tầm quốc gia được thành lập, do Thủ tướng làm Trưởng ban để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, kết nối các công việc, theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, đề xuất xử lý các vướng mắc.
“Giữa cơ quan hành pháp và lập pháp có sự đồng thuận, thống nhất cao để sớm tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, tạo thuận cho cho việc hiện thực hóa các dự án giao thông. Với sự phối hợp này, tôi tin tưởng từ nay đến hết nhiệm kỳ này và tới năm 2030, số kilomet đường cao tốc của Việt Nam sẽ tiếp tục nối dài”, ông Hòa nói.
Cùng chung quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, dù có nhiều khó khăn thách thức, song với sự kề vai sát cánh của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tất cả đã được từng bước hóa giải. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, thi công “3 ca, 4 kíp” của người lao động trên công trường, phát triển hạ tầng giao thông trở thành điểm sáng từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Vướng đâu gỡ đó
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (Varsi), sự tăng tốc về đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua đã để lại những sản phẩm rất cụ thể. Chỉ tính riêng đường cao tốc, từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2025 đến nay, hơn 800km đã được hoàn thành. Đây là tiền đề quan trọng, tạo đà để đạt được mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000km cao tốc.
Thi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
“Kết quả ấy có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội. Trong đó, đặc biệt kể đến là sự sâu sát trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ”, ông Chủng nói.
Theo ông Chủng, những chuyến đi không kể lễ, Tết của người đứng đầu Chính phủ ở các dự án không chỉ khích lệ kỹ sư, công nhân ngành GTVT mà còn là dịp để nhận diện, nghe được, thấy được, phát hiện các mặt được/chưa được, các nút thắt cần được tháo gỡ…
“Bên cạnh đó là sự quyết tâm, trách nhiệm của ngành GTVT khi đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế chính sách giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án. Lãnh đạo Bộ GTVT liên tục có các chuyến kiểm tra, đốc thúc tiến độ, trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc.
Sau mỗi chuyến đi, nhà thầu nào đủ năng lực, nhà thầu nào yếu cũng được nhìn nhận rõ để đưa ra những biện pháp điều chỉnh, thay thế kịp thời, cải thiện hiệu suất thi công”, ông Chủng nhìn nhận.
Khai thác tối đa lợi thế 3.000km cao tốc mang lại
Theo ông Trần Chủng, thời gian hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc không còn dài. Thách thức hiện nay có thể là nỗi lo biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự bứt tốc trên công trường.
Tính đến nay, tổng chiều dài đường cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác trên cả nước đạt 2.021km. (Trong ảnh: Một đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây).
Thách thức ấy đòi hỏi các chủ thể tham gia trực tiếp phải phát huy sự chủ động, nhận diện đầy đủ khối lượng công việc cần thực hiện, từ đó đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.
“Ví dụ mùa mưa, nền đường không thể thi công thì phải có các giải pháp thi công các hạng mục khác như cầu, cống, hầm… Làm được như vậy mới tránh được rủi ro “trượt” tiến độ, đưa các dự án về đích đúng lộ trình với chất lượng tốt nhất”, ông Chủng nói.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, các dự án hạ tầng giao thông được triển khai xây dựng tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, thúc đẩy thị trường vật liệu, nhiên liệu. Khi hoàn thành, sẽ góp phần rất lớn trong lưu thông hàng hoá, mở không gian phát triển mới cho mỗi địa phương có tuyến đi qua.
“Quan trọng nhất là các địa phương sẽ nắm bắt và tận dụng lợi thế này như thế nào”, ông Hòa nói.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cũng đánh giá, 3.000km cao tốc sẽ giúp kết nối các vùng miền, địa phương, khu kinh tế, cảng biển, sân bay, tạo sức bật mới cho các địa phương, thay đổi cơ cấu kinh tế các vùng kinh tế trọng điểm.
“Thực tế cho thấy, cao tốc đi qua tỉnh nào, kinh tế – xã hội nơi đó phát triển rất ấn tượng, đúng như câu nói “đại lộ sinh đại phú”. Vấn đề còn lại là cần dồn lực để hoàn thành mục tiêu đã đề ra”, bà Nga chia sẻ.
Hơn 2.000km cao tốc đã đưa vào khai thác
Từ nay đến năm 2025, hơn 1.000km cao tốc sẽ được tiếp tục hoàn thành, đưa vào khai thác, tập trung ở các dự án: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (12 dự án thành phần); cao tốc Bến Lức – Long Thành; cao tốc Hòa Liên – Túy Loan; cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; cao tốc Cao Lãnh – An Hữu; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; đường Vành đai 3 TP.HCM…
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/mo-khong-gian-phat-trien-moi-tu-3000km-cao-toc-thanh-qua-tu-su-dot-pha-quyet-liet-192240830101146635.htm