Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng là giai đoạn báo chí chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song đội ngũ người làm báo Việt Nam vẫn thể hiện tinh thần cách mạng, đồng hành với đất nước, phục vụ nhân dân.
Bước chuyển mới trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông”. Quán triệt tinh thần đó, nửa nhiệm kỳ vừa qua, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo những chuyển biến tích cực để báo chí hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
Một trong những công tác được triển khai khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả là thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch hệ thống báo chí nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích. Việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch đã cơ bản hoàn thành đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương và 72 cơ quan báo nói, báo hình. Quá trình quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở Trung ương và 31 cơ quan báo thuộc các địa phương (tỷ lệ giảm là 36%), không còn cơ quan báo thuộc tổ chức hội. Hệ thống báo chí có sự thay đổi về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai rõ hơn giữa báo và tạp chí.
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo |
Qua nhiều năm theo dõi, đúc kết thực tiễn, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí nhận định: Căn nguyên của những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí phần lớn thuộc về trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí, nhất là những người đứng đầu. Vì vậy, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng đã xây dựng và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28-2-2023 về “Trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí”. Quy định có nhiều nội dung tăng cường xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí trong trường hợp cơ quan báo chí xảy ra nhiều sai phạm, thậm chí có thể xem xét tước quyền chủ quản báo chí của cơ quan báo chí. Đây là nội dung lần đầu tiên được đề cập, thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Để tạo sự thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và tính tự giác của mỗi người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo, ngày 21-6-2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và công bố 12 tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo để các cơ quan báo chí, người làm báo hưởng ứng, tổ chức triển khai thực hiện.
Có thể thấy sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, hội ngày càng nhịp nhàng, đồng bộ trên tinh thần đặt pháp luật, kỷ cương lên trên hết, trước hết; đồng thời tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển theo hướng “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Báo chí xung kích trên những tuyến đầu “nóng bỏng”
Đội ngũ người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng, với tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên những tuyến đầu “nóng bỏng”. Điều này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại buổi làm việc với Ban Thường vụ và đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) vừa qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại: Trong chiến tranh, nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận; nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước. Ngày nay, đội ngũ báo chí tiếp tục dũng cảm, dấn thân vào tâm bão lũ, thiên tai, thực hiện nhiều tuyến bài điều tra vạch trần cái ác, cái xấu, sáng ngời sự nghiệp “phò chính, trừ tà”; làm lay động con tim, tạo được sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng, mang lại niềm tin, động lực, sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với những mảnh đời éo le, nhiều số phận bất hạnh, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Đặc biệt, báo chí đi tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách, phát hiện nhiều mô hình mới, kinh nghiệm hay, các tấm gương điển hình trong đời sống xã hội. Những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, phản ánh hiện thực cuộc sống là nhờ báo chí.
Dấu ấn đậm nét nhất của báo chí trong nửa nhiệm kỳ vừa qua được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là đã bám sát cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch. Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng hồi phục mọi mặt đời sống là nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của báo chí. Lực lượng báo chí tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Điều đáng ghi nhận là thời gian qua, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đa số người làm báo Việt Nam đã giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngừng nâng cao trình độ chuyên muôn, say mê và tận tâm với nghề nghiệp, xứng đáng với lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm xã hội của báo chí đối với đất nước
Những xu hướng, thách thức trong hoạt động báo chí không phải hiện nay mới xuất hiện mà có thể nhận diện từ vài năm về trước, đó là: Sự dịch chuyển tiếp cận của công chúng từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng dẫn dắt người dùng diễn ra nhanh chóng; cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông ngày càng cao; nguồn thu quảng cáo dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới; chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); trong khi đó Luật Báo chí năm 2016 bộc lộ nhiều vấn đề bất cập không còn theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại…
Trước bối cảnh đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các ngành, các cấp thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, nếu không được quan tâm, đầu tư, các cơ quan báo chí rất khó có nguồn lực để thực hiện. Càng chậm chuyển đổi số, báo chí sẽ lâm vào cảnh thất thế so với thông tin trên các nền tảng truyền thông mới, khó hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh với thông tin sai trái, xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Vai trò của các cơ quan chủ quản báo chí, nhất là của các bộ, ban, ngành, địa phương cần phải được phát huy; đặc biệt là nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách, từ đó bố trí nguồn lực, hình thành bộ phận truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này. Đồng thời, chủ động, chuyên nghiệp hơn nữa trong công tác lập kế hoạch truyền thông và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên hơn bằng nhiều hình thức phù hợp về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.
Các cơ quan báo chí tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho người làm báo; xây dựng mỗi cơ quan báo chí là điểm sáng về văn hóa làm báo. Trước tình trạng một bộ phận người làm báo suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đòi hỏi các cơ quan báo chí cần kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Cùng với đó, các cơ quan báo chí tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của báo chí trong việc định hướng xã hội về tính nhân văn, đạo đức, góp phần xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, vì sự phát triển bền vững của đất nước và xã hội.
HÀM ĐAN