Nhìn từ cuộc “sát hạch” phòng, chống đại dịch Covid-19

Nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn, trong đó công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 là cuộc “sát hạch” khốc liệt và toàn diện nhất. Bên cạnh những tổn thất không có gì bù đắp được về sinh mạng đồng bào, chiến sĩ và thiệt hại nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 gây ra nhiều hệ lụy phức tạp về các vấn đề xã hội. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid-19 khiến hơn 50% người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng-mất việc làm, giảm thu nhập. Đặc biệt, trong “đỉnh dịch” quý 3-2021, thu nhập bình quân của người lao động tại đô thị giảm đến 40% so với bình quân cả nước. Tính riêng năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (cao nhất là quý 3, với 3,98%); tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 3,1% (quý 3 lên đến 4,46%). Những con số thống kê (mang tính tương đối) đó cho thấy bảo đảm an sinh xã hội là gánh nặng vô cùng lớn.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng toàn diện, việc huy động sức dân, dựa vào dân để chăm lo cho dân vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp của chính sách an sinh xã hội. Trong “Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19” ngày 29-7-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “…Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng…”.

Lực lượng quân y tăng cường cho Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D Bộ Quốc phòng nhận lệnh lên đường vào miền Nam chống dịch Covid-19 (tháng 8-2021). Ảnh: qdnd.vn 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện các quyết sách, giải pháp của Chính phủ, hệ thống chính trị các cấp đã huy động rất hiệu quả sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, kết thành sức mạnh tổng hợp vượt qua đại dịch. Trong cuộc “sát hạch” toàn diện ấy, chúng ta vừa phải tập trung chống dịch, chăm lo an sinh xã hội, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố vững chắc trận địa lòng dân, vừa phải đấu tranh kịp thời, quyết liệt với các chiến dịch truyền thông xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Kết quả là dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đất nước đã vượt qua đại dịch, giữ vững ổn định chính trị, chăm lo an sinh xã hội chu đáo, nhanh chóng phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sau khi đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế đã có bước đột phá, phục hồi. GDP năm 2022 đạt mức 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Sự phục hồi của kinh tế vĩ mô là cơ sở, điều kiện để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chăm lo an sinh xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã ban hành, triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó có nhiều chính sách mang tính vượt trội, chưa từng có tiền lệ. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”, cả nước đã hỗ trợ gần 36,5 triệu người, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền 45.600 tỷ đồng. 

Cùng với hỗ trợ bằng tiền, Chính phủ đã quyết định xuất cấp hơn 130.000 tấn gạo hỗ trợ hơn 8,6 triệu người có hoàn cảnh khó khăn. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai… là những địa phương nằm trong tâm dịch Covid-19, bị thiệt hại nặng nề nhất cả nước. Ổn định đời sống nhân dân, quan tâm đặc biệt đến đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế trong xã hội và đẩy mạnh các hình thức, giải pháp giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động thời kỳ “hậu Covid-19” là những chính sách được ưu tiên hàng đầu. Ngay sau khi đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tổ chức đồng loạt hàng trăm phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp kết nối cung-cầu lao động, kịp thời giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Vai trò hệ thống chính trị ở cơ sở và bài học bám dân, nắm dân

Chăm lo an sinh xã hội là một trong những thành tựu nổi bật của nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Kết quả thể hiện trên thực tế đời sống xã hội là minh chứng sinh động khẳng định nghị quyết của Đảng ngày càng đi sâu, phát huy hiệu quả rộng rãi trong cuộc sống và chính thực tiễn sinh động của đời sống giúp Đảng ta có cơ sở kiểm nghiệm để điều chỉnh, bổ sung các chính sách, giải pháp tối ưu, khả thi cho nửa nhiệm kỳ sau của Đại hội XIII. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế…”.

Để thực hiện thắng lợi quan điểm, mục tiêu đã đề ra, Đảng ta xác định tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân…

Hoạt động khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Những quan điểm, mục tiêu, giải pháp về an sinh xã hội được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện rõ bản chất nhân văn xã hội chủ nghĩa. Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “… Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm…”.

Chính các giá trị tiến bộ, nhân văn trong đời sống xã hội Việt Nam được hình thành, nuôi dưỡng từ lịch sử văn hóa dân tộc và phát huy, tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh đã hun đúc nên nguồn sức mạnh nội sinh giúp dân tộc ta đoàn kết, thống nhất vượt qua thách thức, khó khăn. Truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” đã được khơi dậy mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Các phong trào thiện nguyện trong cả nước và kiều bào yêu nước khắp thế giới đã tạo nguồn lực vô cùng to lớn, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả các chính sách chăm lo an sinh xã hội trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, chúng ta cũng thấy rõ những hạn chế, bất cập. Thực tế cho thấy, không một chủ trương, chính sách nào, dù tối ưu đến đâu, có thể can thiệp hết mọi ngóc ngách của đời sống. Việc chăm lo an sinh xã hội trong hơn hai năm đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng vậy. Hình ảnh từng đoàn người phải “rồng rắn” kéo nhau rời đô thị hồi hương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong những tháng cuối năm 2021 đã làm lộ rõ những “khoảng trắng”, những “mảng tối” về an sinh xã hội mà chính sách của Đảng, Nhà nước chưa vươn tới được.

Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là sự năng động, chủ động, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc bám dân, nắm dân, chủ động các giải pháp tại chỗ và đề xuất các giải pháp gỡ khó cho dân của đội ngũ cán bộ các cấp ở nhiều địa phương còn thụ động, biểu hiện chủ quan, duy ý chí. Nguyên nhân sâu xa, căn bản là mức sống của một bộ phận không nhỏ người dân còn hết sức khó khăn, khoảng cách giàu nghèo trong đời sống xã hội ngày một lớn. Đây thực sự là những thách thức mang tính thời đại. 

Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, người lãnh đạo cao nhất Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế, tồn tại về vấn đề này, đó là: “… Khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá…”.

Như vậy, chăm lo an sinh xã hội trong tình hình hiện nay không chỉ là thúc đẩy các giải pháp cải thiện đời sống, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động… mà phải được tiến hành song song, đồng bộ với các chính sách, giải pháp liên quan. Về xã hội, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tiến tới thực hiện công bằng xã hội…

PHAN TÙNG SƠN