Ngay khi nước bắt đầu rút công tác vệ sinh môi trường tại các cơ quan, đơn vị, các tuyến đường và nhà dân ở thành phố Tuyên Quang được khẩn trương tập trung thực hiện.
Các hộ gia đình đã chủ động vệ sinh nhà cửa, sân vườn, thu gom rác thải dọn dẹp bùn đất trên các tuyến phố để sớm ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Minh Phương, Công ty Cổ phần dịch vụ Môi trường và Quản lý đô thị thành phố Tuyên Quang, chia sẻ, những ngày này Công ty đã huy động 100% cán bộ, công nhân viên làm việc nhiều ca trong ngày để tăng cường vệ sinh môi trường; đồng thời tăng cường phương tiện thu gom, dọn dẹp, vận chuyển cây xanh gãy, đổ và rác thải trên đường bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Đơn vị đã bố trí nhân lực trực 24/24 giờ tại các vị trí bị ngập úng cục bộ trên địa bàn để khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải tiêu thoát nước, nước rút đến đâu vệ sinh đến đó và bảo đảm nhanh nhất để đường phố sạch đẹp, vệ sinh.
Cùng với hoạt động cứu trợ nước uống, đồ ăn và các nhu yếu phẩm tới người dân trong vùng ngập lụt, lực lượng chức năng đã huy động nguồn lực tại chỗ gồm dân quân, công an, đoàn Thanh Niên hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh sau lũ tiến hành quét dọn, thu gom rác thải trên các tuyến đường để bảo đảm giao thông thông suốt.
Thượng tá Nguyễn Bích Hợi, Phó Trưởng công an thành phố Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi nước rút lực lượng công an thành phố đã tăng cường ra vị trí trọng điểm, trung tâm của các tuyến đường để cùng các lực lượng, bà con nhân dân dọn dẹp vệ sinh.
“Khu vực chúng tôi có hơn 100 hộ, đa số bị nước lũ ngập hơn 1m. Đợt lũ này nước vào nhanh và ra cũng nhanh nên việc dọn môi trường khá là vất vả. Hiện tại, chúng tôi cố gắng khắc phục hậu quả của bão lũ và đặc biệt là khử trùng môi trường sống để bảo đảm sức khỏe cho toàn dân”, ông Trần Văn Hảo, Tổ trưởng tổ dân phố 13, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang cho biết.
Công tác tổng vệ sinh sau lũ cũng được các trường học trên địa bàn triển khai nhanh chóng, các trường đã huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên và nhân viên phụ huynh, học sinh dọn dẹp các phòng học, lớp học, sân trường, bàn ghế, thu dọn cây xanh bị đổ gãy.
Nhiều trường học trên địa bàn cũng đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh cùng người nhà để hỗ trợ dọn dẹp trường lớp.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra công tác khắc phục sau lũ và chỉ đạo công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn cho học sinh cần được các nhà trường ưu tiên.
Trên địa bàn thành phố Tuyên Quang có 12 trường học bị ngập lụt, nước lũ, bùn đất tràn vào các lớp học khiến cho công tác vệ sinh vô cùng vất vả. Các trường nhận được sự hỗ trợ tích cực của giáo viên các trường bạn không bị ảnh hưởng, người thân của các giáo viên, hội cha mẹ học sinh, đoàn viên thanh niên… tham gia công tác vệ sinh đảm bảo an toàn cho học sinh tiếp tục đến trường.
Sau khi tổng vệ sinh, dọn dẹp các cơ sở dạy học sẽ phối hợp với đơn vị y tế để phun khử khuẩn để các em học sinh có thể trở lại trường trong thời gian sớm nhất.
Sau mùa mưa bão, nước thải, rác thải và các loại chất thải theo dòng nước tràn ra có thể gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, thực phẩm. Cùng với việc chủ động dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, thu gom và xử lý rác thải sau lũ, cơ quan chức năng người dân cần tiến hành phun khử trùng tại chính hộ gia đình, cơ quan, đơn vị để hạn chế mầm bệnh có thể lây lan.
Nguồn: https://nhandan.vn/thanh-pho-tuyen-quang-dan-on-dinh-sau-tran-lu-lut-lich-su-post830828.html