Hơn 50.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người khác phải di dời sau khi hai trận động đất 7,8 và 7,5 độ richter rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực tây bắc Syria vào ngày 6/2 năm ngoái. Liên hợp quốc ước tính chi phí tái thiết cho khu vực này lên tới hơn 100 tỷ USD.
Thành phố Antakya (trước đây gọi là Antioch), thủ phủ của tỉnh Hatay, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, với gần 80% tòa nhà được báo cáo là bị hư hại không thể sửa chữa được.
Nicola Scaranaro của công ty kiến trúc Foster + Partners mô tả đây là sự tàn phá “ngoài sức tưởng tượng”. Công ty vừa công bố bản quy hoạch tổng thể cho Antakya, không chỉ nhằm tái thiết và phục hồi thành phố mà còn nhằm “bảo vệ thành phố khỏi động đất, lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác trong tương lai”.
Trận động đất năm ngoái là trận động đất thứ bảy phá hủy Antakya kể từ khi thành phố này được thành lập vào thế kỷ 4 trước Công nguyên.
Thành phố nằm dưới chân núi Habib Neccar trong thung lũng sông Asi. Vị trí gần sông khiến tác động của động đất trầm trọng hơn do hiện tượng đất hóa lỏng – đất mất đi độ cứng và hoạt động giống chất lỏng hơn.
Với những dãy nhà dọc bờ sông Asi, lũ lụt từ lâu cũng gây nguy hiểm cho cư dân Antakya. Ngay cả trước trận động đất năm ngoái, hơn 45.000 cư dân trên diện tích 2,5 triệu mét vuông đã có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, theo ước tính của Foster + Partners. Bối cảnh khủng hoảng khí hậu hiện nay làm gia tăng khả năng xảy ra sự cố.
Kiến trúc và thiết kế đường phố sẽ đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại tác động của động đất, bao gồm các toà nhà nhỏ gọn có khả năng chống chịu động đất tốt hơn so với các công trình hình chữ L lớn và dài từng xuất hiện ở Antakya trước đây.
Các “siêu khối” khu phố , lấy cảm hứng từ những khu vực ở Barcelona, sẽ thúc đẩy các khu vực cấm ô tô, đảm bảo nhiều tuyến đường cho cả các dịch vụ khẩn cấp và cho cư dân thoát hiểm khi xảy ra thảm hoạ.
Ông Scaranaro giải thích rằng thiết kế này cũng mang lại lợi ích cho chất lượng cuộc sống, giúp giảm lưu lượng giao thông — sự thay đổi lớn đối với một thành phố trước đây chủ yếu là ô tô — và có nhiều không gian đô thị xanh hơn.
Thành phố sẽ có thêm không gian xanh đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống lũ lụt. Các con sông và công viên sẽ lấp đầy những khu vực có nguy cơ cao, hoạt động như một “vùng đệm” tự nhiên khi bờ vỡ, trở thành nơi hấp thụ nước lũ.
Được trồng bằng các loài bản địa, mạng lưới không gian xanh và công viên cộng đồng địa phương sẽ cung cấp môi trường sống quan trọng cho hệ động thực vật và hoạt động như “hành lang xanh”, cho phép động vật hoang dã di chuyển tự do. Cách tiếp cận này cũng sẽ giúp quy hoạch tổng thể đạt được mục tiêu tăng gấp đôi lượng không gian xanh dành riêng cho bình quân đầu người.
Các tác giả bản kế hoạch tổng thể hy vọng có thể thiết lập một “bản thiết kế hợp tác mới để phục hồi các thành phố bị thiên tai” trên toàn cầu.
Ngọc Ánh (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/thanh-pho-tai-tho-nhi-ky-duoc-xay-dung-lai-de-chong-moi-tham-hoa-thien-nhien-post308116.html